Ý kiến phản hồi bài “Về một bản án có hiệu lực chưa được thi hành ở Phù Mỹ: Tinh thần thượng tôn pháp luật đâu rồi?”:
Cần phân định rõ thẩm quyền về hành pháp và tư pháp
Vừa qua, Báo Bình Định số thứ Năm, trang 8, ngày 2.10, có đăng bài “Về một bản án có hiệu lực chưa được thi hành ở Phù Mỹ: Tinh thần thượng tôn pháp luật đâu rồi?”, phản ảnh Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phù Mỹ đã lập kế hoạch chi tiết tổ chức cưỡng chế thi hành án (THA) vì người phải THA không tự nguyện chấp hành. Tuy nhiên, do Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - Trưởng Ban chỉ đạo THADS huyện chưa phê duyệt kế hoạch cưỡng chế nên bản án vẫn “đắp chiếu”, gây bức xúc cho người được THA. Bài viết đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc, tòa soạn đã nhận được nhiều nội dung mang tính đóng góp, xây dựng, chúng tôi trích đăng một số ý kiến như sau:
Bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án. Nếu có tình tiết mới, vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng của các cơ quan tố tụng thì cá nhân, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị lên Tòa án tối cao để xem xét về trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm. Nhưng không hiểu lý do nào mà trong trường hợp này ông Chủ tịch UBND huyện lại lấy bản án ra để “băm nhỏ tìm vết” về bản án phúc thẩm. Vậy, chẳng lẽ “phép vua thua lệ làng” hiện nay vẫn tồn tại ở một số địa phương hay sao. Trong khi đó, Đảng, Nhà nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật lên trên hết thì ở một số địa phương vẫn đặt ý chí, quyền lực cá nhân lên trên, thì quy định pháp luật mà chúng ta đang xây dựng sẽ đi về đâu, niềm tin của công dân vào công lý sẽ như thế nào. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm từng cá nhân nếu phát hiện sai phạm. Nếu bản án phúc thẩm là đúng quy định pháp luật thì cần thực thi, cưỡng chế trả nhà lại cho chính chủ sở hữu.
Trần Hùng Việt (conlocxoaymc2004@yahoo.com)
Cần phải hiểu rằng, bản án phúc thẩm thì có hiệu lực thi hành ngay; một khi đã có quyết định THADS của cơ quan THA thì mọi tổ chức, công dân thuộc bên được THA và phải THA căn cứ để thi hành. Theo Thông tư Liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 11.7.2011 về việc “Hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS”, thì Ban Chỉ đạo này có chức năng: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp. Cho nên, việc chính quyền và Ban chỉ đạo THADS huyện Phù Mỹ cất công “mổ xẻ” bản án phúc thẩm là việc làm không phải, vừa trái thẩm quyền, vừa mất thời gian vô ích.
Cũng cần nói thêm, việc bà Nguyễn Thị Hay (người phải THA) có đơn đề nghị giám đốc thẩm và khiếu nại QĐ 3149 của UBND huyện Phù Mỹ không phải lý do và điều kiện để Trưởng ban Chỉ đạo THADS huyện Phù Mỹ thành lập Tổ xác minh và chưa phê duyệt kế hoạch cưỡng chế của Chi cục THADS huyện Phù Mỹ đối với bà Hay. Thậm chí nếu sau này nội dung bản án có đổi chiều, cải sửa hoặc hủy bản án ... thì trách nhiệm bồi thường, khắc phục không thuộc về cơ quan THADS, Ban Chỉ đạo THADS mà là của cơ quan tiến hành tố tụng.
NGUYÊN NGỌC