Hồ bơi Bình Định: Mỏi mòn chờ nâng cấp
Từng là địa phương có phong trào bơi lội mạnh so với nhiều nơi khác trên cả nước, nhưng cùng với sự xuống cấp của hồ bơi thuộc sự quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh (trong sân vận động Quy Nhơn), thành tích của bơi lội Bình Định những năm gần đây đi xuống thấy rõ.
Đến hồ bơi Bình Định vào một chiều cuối tháng 9, chúng tôi không thể tin được đây là nơi tập luyện của hơn 20 VĐV thuộc lớp năng khiếu và đội tuyển bơi lội tỉnh. Nước trong hồ nổi những mảng bọt trắng đục như nước ở một ao tù. Một nhóm VĐV khởi động và tập “chay” xung quanh hồ chứ không dám xuống nước vì sợ… ngứa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một trong những hồ bơi lạc hậu bởi không có hệ thống lọc nước. Trước đây, hồ sử dụng nước máy, đã qua xử lý nên thời gian sử dụng của mỗi đợt được một vài tuần. Vài năm qua, hồ sử dụng nước giếng bơm, nên chỉ khoảng một tuần là nước đã… đổi màu. Đặc biệt, những ngày hè, nắng nóng thì khả năng sinh rêu trong hồ càng nhanh hơn.
Để khắc phục tình trạng nước nhanh chóng xuống cấp, thỉnh thoảng người ta cho bơm thuốc (Clo) để khử trùng. Nhưng giải pháp này cũng chỉ kéo dài thêm thời gian tập luyện được trong vài ngày. Khi hồ đã bị những lớp rêu dày bám xung quanh và dưới đáy, các HLV, VĐV bơi lội phải tự xả nước, vệ sinh hồ mất vài ngày, sau đó lại mất gần một tuần để bơm nước đầy hồ mới tập được. Chưa kể những khoảng thời gian gián đoạn do thời tiết mưa, lạnh vào mùa đông, việc thường xuyên phải thay nước trong hồ đã ảnh hưởng rất lớn đến giáo án tập luyện của các HLV. Không được tập luyện liên tục, thành tích của các VĐV rất khó được giữ vững chứ chưa nói là cải thiện để tiếp cận với những VĐV hàng đầu cả nước.
Được đưa vào sử dụng từ năm 1986, hồ bơi Bình Định khi đó đã giúp chúng ta đào tạo nên nhiều lứa VĐV xuất sắc, đem về rất nhiều thành tích ở đấu trường quốc gia cho thể thao tỉnh nhà. Nhưng cùng với thời gian, tất cả những hạng mục ở khu vực hồ bơi như nhà làm việc, các phòng vệ sinh… đều đã xuống cấp. Đặc biệt, hạng mục chính là nơi để các VĐV tập luyện đã không còn khả năng phục vụ cho nhu cầu hiện nay. Điều này đã nhiều lần được ngành thể thao đề cập, kiến nghị, lập đề án trình các cấp, ngành có liên quan nhằm tìm hướng tháo gỡ, để vực dậy bộ môn bơi lội Bình Định, nhưng đến nay việc nâng cấp, sửa chữa hồ bơi vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ông Trần Kiếm Thu, HLV bơi lội Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, bộc bạch: “Từng có nhiều năm gắn bó với bơi lội Bình Định, tôi rất buồn khi thấy hồ bơi ngày càng xuống cấp mà không được sửa chữa, cải thiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc luyện tập của các VĐV mà còn tác động không tốt đến phong trào bơi lội của cả tỉnh. Chúng ta đang có chủ trương đưa bơi lội vào trường học, phổ cập bơi cho các em thiếu niên nhi đồng để phòng chống tai nạn đuối nước, nhưng hồ bơi duy nhất có kích thước đủ tiêu chuẩn tổ chức các cuộc thi lại không thể phục vụ cho việc tập luyện thì sao nghĩ đến chuyện phát triển phong trào được”.
Hiện nay, hầu hết hồ bơi ở các địa phương khác trên cả nước đều đã được trang bị hệ thống lọc để làm sạch nước. Trong điều kiện hiện nay, khi những dự án thể thao khác chưa thể thực hiện được, các cấp, các ngành liên quan cần có kế hoạch nâng cấp tạm thời hồ bơi Bình Định (như lắp thêm hệ thống lọc) để duy trì hoạt động. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài, e rằng bộ môn bơi lội sẽ ngày càng tụt hậu về thành tích so với những đơn vị khác, phong trào bơi trong tỉnh cũng theo đó mà mai một. Trong thời điểm các VĐV đang tích cực chuẩn bị thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc (còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra), với cơ sở vật chất như hiện nay, rất khó để chúng ta đặt kỳ vọng vào những Hoàng Văn Dũng hay Võ Thị Lý, khi họ phải tập luyện trong điều kiện liên tục gián đoạn như vậy.
LÊ CƯỜNG