Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội: Góp phần phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh
Ngày 18.12.2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3866/QĐ-UBND về việc thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn tiến sĩ Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh, về một số định hướng hoạt động chủ yếu của Viện.
Nghiên cứu, dự báo về xu hướng phát triển KT-XH và thu hút đầu tư phục vụ cho quá trình quản lý, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
- Trong ảnh: Một góc cảng biển Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
● Với chức năng nghiên cứu, tham mưu phát triển KT-XH của tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh có chức năng nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển KT-XH.
Trong các nhiệm vụ cụ thể của Viện, trọng tâm có nghiên cứu, đề xuất định hướng chiến lược phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và thu hút đầu tư của tỉnh trong mối quan hệ với khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh đó, Viện cũng nghiên cứu những chính sách và công cụ quản lý kinh tế vĩ mô xuất phát từ thực tiễn của tỉnh và khu vực, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời tham gia đóng góp với Trung ương trong việc hoạch định chính sách quản lý và phát triển kinh tế đối với địa phương. Nghiên cứu, dự báo về xu hướng phát triển KT-XH và thu hút đầu tư phục vụ cho quá trình quản lý, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cũng như đáp ứng những yêu cầu về chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Thêm vào đó là các nhiệm vụ quan trọng khác, như tổ chức hợp tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện, thẩm định và thực hiện các chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Điều tra, phân tích, đánh giá tình hình, phát hiện và đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của tỉnh về lĩnh vực KT-XH, và thu hút đầu tư; nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.
● Trong thời điểm này, Viện sẽ tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tham mưu cho tỉnh về những lĩnh vực gì?
- Viện thành lập được 10 tháng, nhưng lãnh đạo Viện cũng mới được bổ nhiệm gần đây. Trước mắt, Viện sẽ tập trung nghiên cứu các luận cứ khoa học để phục vụ việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2016-2020; xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển KT-XH của tỉnh; đánh giá chính sách công của tỉnh trong một số lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thu hút đầu tư; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp. Về lâu dài, Viện tổ chức nghiên cứu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2035.
● Đi vào công việc cụ thể, mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Viện chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá tác động của Dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu Nhơn Hội đến việc phát triển KT-XH của tỉnh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu Nhơn Hội có tác động to lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng, tuy nhiên định lượng cho tác động này thì chưa có số liệu cụ thể. Nội dung nghiên cứu của Viện là đưa ra đáp án chi tiết cho sự tác động của dự án trong cả 2 giai đoạn là bắt đầu xây dựng và vận hành sản xuất.
Dự kiến các tác động mà Viện sẽ tiến hành nghiên cứu là: tác động đến kinh tế (cơ cấu, GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, bình quân thu nhập đầu người) của tỉnh nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng; giải quyết mối xung đột giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Nhơn Hội (nhận diện các xung đột, đề xuất các giải pháp phát triển cộng hưởng); quy hoạch về môi trường và mô hình phát triển đô thị ven đầm Thị Nại. Ngoài ra, một tác động khác là sự lan tỏa của Dự án đến phát triển các ngành kinh tế khác (phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu đường, cảng biển, sân bay, cơ sở y tế, nhu cầu thực phẩm, cung cấp nước ngọt; công nghiệp hỗ trợ phục vụ tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội và vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương để dự án được nhanh chóng thực hiện). Bên cạnh đó là những tác động về nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng (số lượng, chất lượng, chuyên ngành, công nhân bậc cao) và tác động đến xã hội.
● Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)