Bổ sung xét hộ nghèo cho các gia đình gặp khó khăn đột xuất
Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về công tác giảm nghèo đã chỉ ra rằng quy trình hướng dẫn chuẩn nghèo theo thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH trước đây có một số vấn đề chưa đầy đủ như: Chưa phân loại được đối tượng hộ bảo trợ xã hội dẫn tới trùng lặp chính sách hỗ trợ, chưa có quy định cụ thể cho đối tượng nghèo đột xuất mà chỉ điều tra định kỳ theo hàng năm, chưa làm rõ được nguyên nhân nghèo...
Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành thông tư 24 /2014/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.
Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Giảm nghèo Quốc gia (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo những quy định mới, quá trình xét hộ nghèo, cận nghèo sẽ hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất và việc phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo sẽ sát với thực tế của từng địa phương hơn.
Mặt khác, việc phân loại đối tượng trong hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, người có công… làm cơ sở để các địa phương áp dụng chính sách không bị trùng lặp.
Điểm nổi bật của thông tư 24 là việc bổ sung đối tượng hộ gia đình phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do các yếu tố như: Tai nạn, rủi ro, ốm đau bệnh tật... sẽ được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước đây, danh sách hộ nghèo chỉ được điều tra và công nhận mỗi năm một đợt.
Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tổ chức thẩm định đề nghị của các hộ gia đình theo đúng các trình tự, thủ tục quy định. Thời gian thẩm định và xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh không quá 30 ngày kể từ khi tiếp nhận đề nghị của hộ gia đình.
Mặt khác, theo quy định mới, các khoản trợ cấp an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước như: Trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo các quy định của pháp luật, trợ cấp tiền điện, trợ cấp khó khăn đột xuất... sẽ không tính vào thu nhập của hộ gia đình khi xét hộ nghèo, cận nghèo.
Đặc biệt, theo thông tư, các nguyên nhân nghèo như: Thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu lao động, có lao động nhưng không có việc làm, không biết cách làm ăn không có tay nghề, đông người ăn theo, ốm đau nặng, mắc tệ nạn xã hội, chây lười lao động… cũng được đưa vào bảng điều tra cụ thể để làm cơ sở cho địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với các đối tượng thoát nghèo.
Mặc dù trong bảng điều tra theo thông tư 24 có đề cấp đến những hộ tái nghèo, nguyên nhân nghèo nhưng theo ông Ngô Trường Thi thì quan trọng là quá trình tổng hợp dữ liệu từ địa phương phải được thống kê đầy đủ thì mới có thể đưa ra tỷ lệ tái nghèo chính xác, vì vậy báo cáo tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm nay có đề cập đến tỷ lệ tái nghèo hay không thì còn phải chờ kết quả báo cáo của các địa phương.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)