GS.TS Đặng Hoành Loan:
Bình Định có bài chòi độc diễn rất độc đáo
Viện Âm nhạc đang phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức điền dã, làm tư liệu nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. GS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, là người chủ trì đợt điền dã, đã có những nhìn nhận thẳng thắn, chân thành về di sản bài chòi Bình Định.
* Thưa GS.TS Đặng Hoành Loan, ông có thể cho biết việc điền dã bài chòi Bình Định nhằm mục đích gì?
Nghệ nhân Lê Thị Đào đang trình diễn trong Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ cho công tác điền dã, ghi tư liệu của Viện Âm nhạc.
- Đợt điền dã của chúng tôi kéo dài trong khoảng thời gian 10 ngày (từ 29.9 – 8.10) tại các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn… để tìm hiểu sinh hoạt bài chòi dân gian, đồng thời tập hợp các ý kiến của các nhà nghiên cứu, quản lí của Bình Định về di sản văn hóa này.
Mục đích là để tìm ra cái nghệ thuật “bài chòi nhất” của bài chòi dân gian Bình Định trên cái khuôn diện chung. Từ đó, phân tích, đánh giá những điểm chung, điểm riêng của bài chòi dân gian Bình Định với các tỉnh, thành khu vực miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa). Điểm đúc kết quan trọng nhất là phải làm rõ nghệ thuật bài chòi dân gian có còn được cộng đồng yêu mến, gìn giữ hay không… để phục vụ xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Ông nhìn nhận như thế nào về nghệ thuật bài chòi Bình Định?
- Bài chòi dân gian Bình Định hiện nay theo như tôi biết là đang đi dần dần từ A chuyển sang Z. Những bước đi này cũng là tất yếu thôi, không ai có thể buộc nó phải đi như thế này, hoặc như thế kia. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải bảo tồn được vốn cổ rồi muốn đi đâu thì đi. Nói một cách hình tượng là phải có cái cọc để neo con trâu lại, rồi việc con trâu đi xung quanh cái cọc được khoảng cách bao nhiêu là do sợi dây.
Nghệ thuật bài chòi Bình Định phải giữ được “cái cọc trọng tâm” là bài chòi cổ. Cái chúng ta đang làm hiện nay đó là công việc phát huy, phát triển di sản bài chòi. Nếu phát huy đến mức không còn “cái cọc” của di sản, thì theo tôi đó là bước đi vô định nhiều khi không biết đích đến là đâu…
* Vậy theo ông, đâu là bản sắc riêng của bài chòi Bình Định?
- Qua thực tế tìm hiểu về nghệ thuật bài chòi ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung, tôi nhận thấy rằng Bình Định là nơi sinh ra, phát tích của nghệ thuật bài chòi độc diễn. Các nghệ nhân đã gọi bài chòi độc diễn bằng nhiều tên, nhưng quy tụ lại là loại hình nghệ thuật bài chòi mà một người nghệ sĩ có thể đóng nhiều vai và diễn được ở khắp nơi.
Bản sắc độc đáo, cá tính của bài chòi Bình Định là ở nghệ thuật bài chòi độc diễn, cần được đẩy lên thành “điểm nhấn” để Bình Định có một vị trí đứng cao so với các tỉnh, thành có di sản bài chòi. Cần phải quan tâm nghiên cứu, khai thác loại hình này đến tận cùng để đưa lên trình diễn trên sân khấu phục vụ khán giả hôm nay.
* Là người chủ trì và trực tiếp thực hiện việc điền dã ở Bình Định, ông đã thu thập được những gì trong những ngày qua?
Những nghệ nhân như cụ Lê Thị Đào thực sự là “báu vật nhân văn sống” mà tỉnh Bình Định cần có thái độ ứng xử hợp lí, như tạo điều kiện truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ vì quỹ thời gian của cụ không còn bao nhiêu
GS.TS ĐẶNG HOÀNH LOAN
- Chúng tôi đã tiếp xúc với những nghệ nhân tiêu biểu ở Bình Định, là những người có gắn bó rất lâu với việc thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian, họ hiểu rõ về sinh hoạt, phương pháp trình diễn… Các nghệ nhân được phỏng vấn ghi âm, ghi hình để mọi người biết được, hiểu được về họ thông qua các câu chuyện, hoàn cảnh, nhiều khi đối lập để nghệ nhân tự phản biện mình. Bởi nghệ nhân không tự phản biện thì chúng ta vẫn theo dòng chảy cũ là một số nhận định mang tính áp đặt của các nhà nghiên cứu, không chính xác với thực tế… Tóm lại, chúng ta phải lấy nghệ nhân làm chuẩn khi nghiên cứu về nghệ thuật bài chòi dân gian.
* Trong số các nghệ nhân bài chòi ở Bình Định, ai là người để lại cho ông ấn tượng nhất?
- Nghệ nhân Lê Thị Đào (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) năm nay đã 89 tuổi, nhưng cụ Đào vẫn còn minh mẫn, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu tìm hiểu của chúng tôi trong suốt hai ngày trời. Khi đề nghị cụ Đào ra chợ An Thái thể hiện nghệ thuật bài chòi độc diễn qua các trích đoạn bài chòi cổ tiêu biểu để quay phim, thì người dân đến xem đông và thưởng nhiều tiền cho cụ Đào.
Cụ Đào nói rất hay là tôi không biết chữ, nên chỉ “lôi từ ruột” ra hát theo như ngày xưa được dạy theo kiểu truyền khẩu. Những tâm tình, tài năng của cụ Đào khiến tôi xúc động, ấn tượng về lòng yêu nghề của một nghệ sĩ đích thực và cao cấp lắm! Những nghệ nhân như cụ Lê Thị Đào thực sự là “báu vật nhân văn sống” mà tỉnh Bình Định cần có thái độ ứng xử hợp lí, như tạo điều kiện truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ vì quỹ thời gian của cụ không còn bao nhiêu.
* Xin cảm ơn ông. Chúc ông và các thành viên trong đoàn hoàn thành tốt việc điền dã bài chòi Bình Định.
HOÀI THU (thực hiện)