Tự hào xứ Nẫu...
Mới đây, bé gái Nguyễn Thiện Nhân, con một gia đình nông dân ở xứ Nẫu (đang học lớp 7) tham dự Cuộc thi The voice kids - Giọng hát Việt nhí (năm 2014) và đạt danh hiệu quán quân là sự kiện được nhiều người quan tâm. Có thể nói, từ một cô bé “nhà quê” (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), Thiện Nhân chỉ biết ca hát qua các chương trình ca nhạc trên đài PT-TH, băng nhạc, hoặc tham gia chương trình văn nghệ trên lớp với các bạn và cô giáo nhưng đã trở thành giọng ca “nhí” nổi danh cả nước thì thật đáng tự hào (tất nhiên bé phải có quá trình đam mê, rèn luyện và được người lớn giúp đỡ).
Một buổi sáng ngồi uống cà phê trên đường Đô Đốc Bảo (Quy Nhơn), tôi nghe anh bạn vốn yêu thích văn nghệ không giấu được xúc động hô ngay câu bài chòi “Ôi, Bình Định quê hương ta đó/văn là đây mà võ cũng là đây…”. Hô xong câu bài chòi, anh bạn tiếp: “Võ thì Bình Định đã rõ rồi, nhưng văn thì chưa thấy nổi lắm. Nay có bé Thiện Nhân làm cả nước biết thêm về xứ Nẫu”.
Sau khơi mào của anh bạn, câu chuyện quanh ly cà phê sáng của chúng tôi bỗng sôi nổi về thời sự văn chương nghệ thuật của tỉnh nhà, từ bát Bội đến bài chòi, ca nhạc…, từ các tác giả đến tác phẩm… Có người luyến tiếc một thời quá khứ đất Bình Định-Quy Nhơn nổi danh bao nhà thơ, nhà văn tên tuổi trên văn đàn cả nước (Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử… ), những nhạc sĩ, ca sĩ vang danh qua các thời… Có người bàn đến những việc hiện tại, liệu bài chòi Bình Định và miền Trung có “đủ sức” để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không?...
Ngồi lắng nghe và tôi hiểu, trên vùng đất này dù “mạnh yếu từng lúc khác nhau” nhưng những nhân tài, trong đó có văn chương nghệ thuật thì có lẽ thời nào cũng có. Và một sự kiện ngẫu nhiên chăng, tôi được một nhà báo trẻ giới thiệu những nghệ nhân hô bài chòi ở Bình Định, có những người trên tám mươi tuổi vẫn còn thể hiện tốt dân ca bài chòi và mong muốn truyền lại cho con cháu vốn văn hóa quý giá của dân tộc. Câu chuyện về nghệ nhân bài chòi đưa ra cũng là lúc dòng thời sự đang nóng lên về bé Thiện Nhân. Ai đã một lần nghe bé Thiện Nhân hát tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí đều chung cảm nghĩ: “Thiện Nhân sinh ra là để ca hát”. Theo tôi, đó là những mầm non nghệ thuật quý giá cần được chăm sóc tốt để phát triển tài năng.
Vậy đó, tự hào về đất nước, con người quê hương luôn là niềm tự hào chính đáng. Và mong sao thế hệ trước không còn nữa thì thế hệ sau thay thế, luôn làm rạng danh trên quê hương đất Võ, trời Văn…
KHOA VĂN
... " liệu bài chòi Bình Định và miền Trung có “đủ sức” để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không? " Tỉnh nhà nên đề nghị Đu Đủ hát trình diễn, đảm bảo UNESCO nghe xong mê luôn và duyệt ngay&luôn không cần "xét" chi cho mất thời gian.