Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10.10):
Sống chung với tâm thần phân liệt
“Sống chung với tâm thần phân liệt (TTPL)” là chủ đề được Liên đoàn Sức khỏe tâm thần Thế giới chọn cho Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay. Sự quan tâm của gia đình, cộng đồng là nhân tố quan trọng trong điều trị TTPL.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, TTPL là một trong những nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới. Ước tính toàn cầu có ít nhất 26 triệu người đang sống chung với TTPL, con số này tại Việt Nam là hơn 250 ngàn người. Tại Bình Định, hiện có tới 3.132 bệnh nhân TTPL trong tổng số 5.302 bệnh nhân tâm thần được quản lý tại cộng đồng. 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh phát hiện thêm 91 bệnh nhân TTPL.
Sự quan tâm của gia đình và cộng đồng giúp bệnh nhân TTPL không trở nặng, phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội.
- Trong ảnh: Giờ phát thuốc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.
Nhận diện
Sáng 7.10, bác sĩ Võ Văn Thống, Phó trưởng khoa điều trị 1, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, đưa tôi đi dạo một vòng các bệnh phòng của khoa. Khoa đang điều trị cho 69 bệnh nhân, gần 70% trong số đó mắc TTPL. Một bệnh nhân to cao đang lim dim ngủ. Nghe tiếng người nói chuyện, anh bật dậy, hỏi dồn: “Mấy anh đến điều tra phải không? Phải giúp tui làm cho ra chuyện. Ổng chiếm nhà của tui mà, phải trả lại nhà cho tui chớ!”. Bác sĩ Thống vỗ vai, bảo thôi ngủ tiếp đi. Thế là anh lại nằm xuống, ngoan ngoãn như một đứa trẻ.
Người đàn ông ấy tên là V.N.D., 45 tuổi, ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Gần 20 năm phát bệnh, cũng là từng ấy thời gian anh coi cha mẹ như người dưng, lúc nào cũng bô bô là ông bà ấy đến chiếm nhà mình. Năm lần bảy lượt nhập viện điều trị, cứ ổn định cho về, anh lại bỏ thuốc, lại trở nặng hơn.
Nằm cùng bệnh phòng với anh D. có ông N.N.B. (ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), phát bệnh đã 6 năm nay. Bị hoang tưởng xâm nhập, người đàn ông 50 tuổi này cứ đập phá đồ đạc trong nhà, đánh người thân rồi đi lang thang. Còn anh P.M.S. (35 tuổi, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) lại bị rối loạn hành vi, từng điều trị nhưng vẫn trở bệnh. Hơn 10 năm qua, gia đình anh S. cũng phải khốn khổ khốn nạn với người con không làm lụng được gì, thỉnh thoảng lên cơn lại đánh cả cha mẹ.
“Cùng bị TTPL, nhưng các bệnh nhân có biểu hiện chẳng ai giống ai, ngay cả các nhân viên y tế cũng khó dự lường hành vi của họ”, bác sĩ Thống đúc kết.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Thị Định, TTPL là một bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng làm việc và học tập ngày càng sút kém, có những hành vi và ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu. Các biểu hiện của người bệnh TTPL là rối loạn về ngôn ngữ, ý tưởng, tri giác, cảm xúc, hành vi tác phong, ý chí, nhận thức và biến đổi nhân cách.
“Đến nay, căn nguyên của TTPL vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có thể nói rằng, stress là một nhân tố thúc đẩy bệnh bộc phát và tái phát”, bác sĩ Định cho hay.
Chung sống
Tái phát là đặc điểm của TTPL, với 95-98% trường hợp bệnh có tái phát. Nhiều năm điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân TTPL, bác sĩ Võ Văn Thống chứng kiến rất nhiều trường hợp tái phát vì bỏ thuốc. “Nguyên tắc của việc dùng thuốc trong điều trị TTPL là người nhà phải quản lý thuốc và cho bệnh nhân uống thuốc hằng ngày. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng quan tâm đúng mức đến việc này. Hơn thế, có gia đình còn “giao đứt” bệnh nhân cho bác sĩ trong thời gian nằm viện”, bác sĩ Thống tâm tư.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định, đa số gia đình người bệnh TTPL có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh không làm việc, lại cần người chăm sóc. Cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Tâm thần tỉnh góp tiền để mỗi tháng tổ chức một bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân. Họ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.
Bên cạnh việc dùng thuốc an thần kinh không đều đặn, yếu tố nâng đỡ kém chính là nhân tố quan trọng dẫn đến tái phát TTPL. “Yếu tố nâng đỡ bao gồm hệ thống nâng đỡ của gia đình và xã hội về các mặt sinh hoạt, nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, thái độ tôn trọng, tình cảm ấm áp, không bỏ mặc, hắt hủi, hành hạ. Gia đình, cộng đồng, nhân viên y tế phải hợp lực một cách có hiểu biết, phải thật sự kiên nhẫn trong quá trình chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh”, bác sĩ Định phân tích.
Để chung sống với TTPL, gia đình người bệnh phải tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc bệnh nhân TTPL do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần phụ trách. Từ đó, biết cách theo dõi bệnh nhân (biết các triệu chứng chính của bệnh, ghi chép các biểu hiện của bệnh nhân và báo cáo đều đặn với bác sĩ), phát hiện được các triệu chứng cấp cứu để có thể cho bệnh nhân nhập viện kịp thời. Và, hết sức lưu ý quản lý thuốc chặt chẽ, không cho bệnh nhân giữ hoặc biết nơi để thuốc, phải cho bệnh nhân uống thuốc hằng ngày.
NGUYỄN VĂN TRANG