Từ các điểm khai thác khoáng sản ở Tuy Phước:
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Mùa mưa lũ đang tới gần, nỗi lo về nguy cơ sạt lở đất, đá, sa bồi thủy phá do việc khai thác đá, cát ở huyện Tuy Phước lại hiện hữu tại các khu dân cư lân cận với các điểm khai thác.
Mất ngủ vì đá núi sạt lở
Hơn 2 năm trước, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tiến hành thuê đất để khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại sườn phía Tây núi Hòn Chà. Cũng từ đó, 12 hộ dân sống dưới chân núi thuộc xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành luôn phải trong cảnh “mất ăn, mất ngủ” vì bụi đá, tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất, đá mỗi khi có mưa. Đáng nói hơn, sau nhiều đợt mưa lớn, đất và bột đá theo dòng chảy tràn xuống chân núi, phủ lấp hơn 2 ha đất nông nghiệp tại cánh đồng Hóc Công; có nơi bùn ngập ngang đầu gối khiến việc sản xuất lúa, hoa màu của người dân bị ngưng trệ, việc đi lại vô cùng vất vả.
Vào mùa mưa, nỗi lo đất, đá sạt lở đổ ập xuống nhà dân tại mỏ đá Hòn Chà (thuộc Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite) lại hiện hữu.
Ông Nguyễn Văn Bính, một hộ dân có nhà ngay khu vực mỏ đá núi Hòn Chà, bức xúc: “Mỗi khi trời mưa, nước từ núi đổ xuống ào ào, kéo theo đất, đá từ trên cao đổ xuống bồi lấp hết khu vườn nhà tôi. Chưa kể, nhiều đêm, đang ngủ mà đá lăn từ trên núi xuống ầm ầm khiến mọi người trong gia đình thất kinh, giật mình thức dậy rồi không ai dám ngủ lại nữa”.
Chung nỗi lo trên, còn có hàng chục hộ dân sinh sống ven xóm Miễu Nam, thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc. Gần 3 năm trở lại đây, người dân khu vực này cũng đang sống trong cảnh thấp thỏm vì bụi đá, tiếng ồn… phát ra từ mỏ sản xuất đá của Công ty TNHH Thuận Đức. Đáng ngại hơn, mỏ đá này nằm ở độ cao từ 300-400m, độ dốc rất lớn, nên mỗi mùa mưa bão, hàng chục nghìn khối đất, đá thải đổ xuống chân núi gây bồi lấp hàng chục hecta ruộng lúa.
Tương tự, hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh (đoạn qua huyện Tuy Phước) đã và đang gây sạt lở bờ sông khá nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp dọc triền sông bị “hà bá” cuốn trôi, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, hiện nay, trên địa bàn xã có 6 công ty được cấp phép khai thác đá, cát đang hoạt động. Dù các đơn vị có thực hiện việc bảo vệ môi trường, nhưng họ chỉ làm cho có, không phát huy tác dụng nên hiện tượng sa bồi đồng ruộng do lượng đất, bụi thải ra trong quá trình khai thác vẫn xuất hiện nhiều nơi và dân là những người lãnh đủ mọi hậu quả”.
Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý
Từ những bức xúc của người dân, trong tháng 9.2014, UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành tiến hành rà soát, phát hiện những sai phạm, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn.
Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện nhiều điểm bất cập còn tồn tại trong quá trình sản xuất của nhiều đơn vị. Cụ thể: Công ty TNHH Thuận Đức có xây dựng kè chắn, hồ lắng nhưng không đảm bảo; chưa thường xuyên vận hành hệ thống phun nước tưới ẩm ở khu vực sản xuất và chế biến khoáng sản và chưa nâng ống khói tại trạm trộn bê tông nhựa theo đúng cam kết bảo vệ môi trường. Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite chưa xây dựng mương thoát nước mặt; còn Công ty TNHH Bình Sơn chưa xây dựng các bờ kè, hố lắng chống sạt lở, sa bồi vào mùa mưa...
Nhiều đêm, đang ngủ mà đá lăn từ trên núi xuống ầm ầm khiến mọi người trong gia đình thất kinh, giật mình thức dậy rồi không ai dám ngủ lại nữa
Ông NGUYỄN VĂN BÍNH, chủ một hộ dân có nhà ngay khu vực mỏ đá núi Hòn Chà
Theo ông Từ Hải, Trưởng phòng TN-MT huyện, trước ngày 30.9.2014, toàn huyện có 10 doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản đã được cấp thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên từ đầu tháng 10 cho đến nay, các đơn vị như DNTN Thành Sơn, Công ty TNHH Nam Phương, Công ty TNHH Đại Tín đã hết hạn khai thác. Riêng Công ty CP Xây lắp điện Tuy Phước đang thực hiện việc thăm dò khoáng sản, gia hạn giấy phép khai thác theo quy định. Để đề phòng nguy cơ sạt lở đất, đá từ các DN khai thác khoáng sản, địa phương đã yêu cầu các đơn vị khai thác đá đến cuối tháng 10.2014 phải hoàn thành việc cải tạo hồ lắng để chứa đất mùn; hạ các vách đứng, thu gom xử lý đá thải, xử lý đá tảng có nguy cơ sạt lở, đá lăn trong mùa mưa tới. “Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến 3 đơn vị là Công ty TNHH Thuận Đức, Công ty CP 504 và Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite. Bởi đây là 3 mỏ khai thác đá nằm gần khu dân cư, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá xuống nhà dân là rất cao”, ông Từ Hải nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI
“Nỗi lo lắng của người dân về sự mất an toàn trong mùa mưa, do khai thác khoáng sản mà không tuân thủ việc bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp là có cơ sở. UBND huyện đã chỉ đạo phòng TNMT, phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn thống kê, rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện để phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, sẽ chỉ đạo thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, trước mùa mưa lũ năm 2014, vấn đề phòng tránh, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại xuất phát từ hiện tượng sạt lở đất, đá; tình trạng sa bồi đất canh tác, đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân”.
Ông TRẦN HỮU LỘC - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước