Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn năm 2014:
Hiệu quả về nhiều mặt
Năm 2014, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 233 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất lúa, mía, đậu phụng..., tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung khép kín có sự tham gia của “4 nhà”, gắn với hoạt động tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Năm 2014, trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, trong đó tập trung phát triển Chương trình xây dựng CĐML, nhằm hạn chế rủi ro, tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.
Hiệu quả thiết thực
Toàn tỉnh đã thực hiện 233 CĐML sản xuất lúa, mía, mì, bắp, đậu phụng, tổng diện tích trên 9.726 ha với trên 58.000 lượt nông hộ tham gia. Trong số này có 29 CĐML, diện tích 1.315 ha, do 7.126 nông dân liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh thực hiện, đã được DN bao tiêu sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hầu hết CĐML được xây dựng đều hội đủ các tiêu chí của Bộ NN-PTNT đề ra, như: Có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch chung; có quy mô từ 30 - 50 ha trở lên, nông dân tự nguyện tham gia sản xuất; có DN tham gia hỗ trợ giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; chính quyền địa phương và HTXNN thực hiện một số dịch vụ, hỗ trợ về kỹ thuật và tổ chức sản xuất; hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn bình thường, đảm bảo nông dân có lãi từ 40% trở lên. Riêng đối với cây lúa (có 221 CĐML, diện tích gần 9.286 ha), năng suất bình quân vụ Đông Xuân đạt 77,45 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa ngoài mô hình 5,45 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn 4,1 triệu đồng/ha; năng suất bình quân vụ Hè Thu đạt 68,7 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 4,5 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn gần 3,4 triệu đồng/ha.
Các CĐML sản xuất các loại cây trồng cạn cũng đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là CĐML sản xuất đậu phụng xen mì (5 CĐML, diện tích trên 250 ha) tại huyện Phù Cát, đem lại lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình 14,62 triệu đồng/ha. Đây được xem là phương thức canh tác bền vững mang lại lợi ích về nhiều mặt cho nông dân.
Sự liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và DN) đã được thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện CĐML năm 2014 và một lần nữa khẳng định hiệu quả, Nhà nước và nhà khoa học đều đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc điều hành, chỉ đạo, quy hoạch sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh… cho nông dân. Bà con nông dân có điều kiện tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư. DN có điều kiện giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ được sản phẩm, chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh...
Tiếp tục mở rộng
Phát huy hiệu quả thực hiện CĐML trong năm 2014, chủ trương của tỉnh trong năm 2015 là tiếp tục xây dựng và mở rộng diện tích CĐML, tăng hiệu quả sản xuất. Theo kế hoạch, năm 2015 toàn tỉnh xây dựng 250 CĐML, trong đó có 230 CĐML sản xuất lúa, tổng diện tích 10.000 ha; 20 CĐML sản xuất đậu phụng, bắp, mì..., diện tích 1.000 ha.
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện CĐML năm 2014, bàn kế hoạch và giải pháp chủ yếu năm 2015 vừa được UBND tỉnh tổ chức, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: Để Chương trình xây dựng CĐML đạt hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực của các HTXNN cùng các hội-đoàn thể và nông dân tham gia xây dựng CĐML. Trên cơ sở các tiêu chí chung về CĐML của Bộ NN-PTNT, các địa phương cũng cần căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng quy mô, tiêu chí CĐML phù hợp và xác định cây trồng thế mạnh đưa vào sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo thực hiện các CĐML do địa phương lập kế hoạch; bố trí kinh phí hỗ trợ cho cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn chỉ đạo thực hiện các CĐML và cho hoạt động tập huấn, hội thảo. Đưa Chương trình xây dựng CĐML vào Nghị quyết của Huyện ủy, Thành ủy trong phát triển kinh tế-xã hội để có cơ sở đưa vào kế hoạch và những chính sách cần thiết nhằm hỗ trợ người dân tham gia Chương trình. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn cho các vùng khó khăn và thiếu cán bộ kỹ thuật để xây dựng các CĐML có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà yêu cầu ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện CĐML theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với đảm bảo chất lượng nông sản, đảm bảo liên kết từ sản xuất đến tiêu sản thụ sản phẩm có sự tham gia của các DN và HTX. Ngành chức năng cần rà soát, lựa chọn những DN có đủ năng lực, uy tín, giới thiệu cho các địa phương để làm đối tác; hỗ trợ việc ký kết hợp đồng, quản lý thực hiện đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tạo điều kiện cho các DN, đơn vị nghiên cứu, khuyến nông tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…, cũng như giới thiệu, thử nghiệm các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên CĐML. Các DN, nhất là các DN có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, phải thực hiện đúng cam kết. Chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện Chương trình với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
PHẠM TIẾN SỸ