Hội thảo quốc tế về tác động đa chiều của tranh chấp ở Biển Đông
Ngày 9.10, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer (Đức) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế "Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác."
Tham dự hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và đông đảo chuyên gia Việt Nam đến từ nhiều trường đại học, học viện và viện nghiên cứu.
Hội thảo là diễn đàn khoa học để các học giả quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất, đặc biệt tập trung đánh giá tác động đa chiều của tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Từ đó đề xuất các giải pháp theo hướng hòa bình, hợp tác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nhấn mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh những điểm nóng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là điểm nóng đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây. Tình hình càng nguy hiểm hơn khi những tranh chấp lãnh thổ ở đây không đơn giản chỉ là vấn đề giữa các nước trực tiếp có đòi hỏi về lãnh thổ.
Do vị trí và tầm quan trọng về chính trị, kinh tế của Biển Đông, đồng thời do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, tranh chấp Biển Đông đã trở thành vấn đề của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến cả khu vực, thế giới trên nhiều phương diện khác nhau như an ninh, hợp tác, phát triển, tự do hàng hải và trật tự thế giới mới.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ chia sẻ thời gian qua, các học giả, nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện tiếng nói và hành động mạnh mẽ, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh trong khu vực. Các nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học, đưa ra các lý lẽ xác thực nhằm đấu tranh hòa bình để bảo vệ chân lý, lẽ phải, đồng thời cũng tránh cho các khu vực rơi vào xung đột tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Với tư cách là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết ủng hộ những đề tài, dự án nghiên cứu có tác động tích cực tới hòa bình và an ninh trong khu vực nói riêng, thế giới nói chung.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo (9-10.10), các đại biểu trao đổi, thảo luận về năm chủ đề chính gồm Biển Đông trong bức tranh lớn của các cường quốc Trung Quốc và Mỹ; tranh chấp lãnh thổ Biển Đông trong bối cảnh luật pháp quốc tế; cơ sở pháp lý và các phương thức giải quyết một cách hòa bình tranh chấp quốc tế về chủ quyền biển đảo; hệ lụy từ xung đột giữa Nhật Bản-Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột ở Biển Đông; vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột đang leo thang ở biển Đông...
Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam trước sau như một khẳng định mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong vấn đề Biển Đông bởi từ khi ra đời đến nay, ASEAN luôn đóng vai trò trung tâm trong các sáng kiến an ninh khu vực như thành lập "Diễn đàn khu vực ASEAN" (1994), ký với Trung Quốc "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC 2002); đồng thời, đang nỗ lực xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) và hoàn thành xây dựng ba cộng đồng chính trị-an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội vào năm 2015.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)