Chuyện tình ở thung lũng “ngủ quên”
Làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) yên bình như một thung lũng “ngủ quên”. Ở đó, có biết bao số phận hẩm hiu, từng bị gia đình, người thân ruồng bỏ. Thế nhưng, ở họ vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, họ tìm đến với nhau, xây dựng những mái ấm hạnh phúc.
1.
Như bao người con của núi rừng Tây Nguyên, Đinh Jit (sinh năm 1978, ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cũng là một chàng trai khỏe mạnh, ngày ngày lên nương làm rẫy. Cứ tưởng, rồi anh cũng sẽ có cuộc sống bình thường như bao người khác. Thế nhưng, năm anh 21 tuổi, trong một lần đang làm rẫy, bất chợt anh thấy trong người nóng bừng. Sau đó, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức. Người thân đưa anh về nhà để thuốc thang trong sự hoảng sợ tột cùng. Nhiều ngày sau đó, bệnh không thề thuyên giảm. Ngược lại, da thịt anh ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.
Không thể biết Đinh Jit mắc bệnh gì, gia đình anh đành vay mượn tiền bạc để mua heo, mua rượu, mời thầy cúng đến “giải hạn”, rồi lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Nỗi sợ hãi cứ lớn dần trong anh và người nhà.
Hơn một tháng bất lực với cúng kiếng, người trong làng nhất mực cho rằng Đinh Jit đã bị “ma rừng” nhập, con ma còn ở trong người anh thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Anh bị đuổi ra khỏi làng, bắt đầu những tháng ngày cơ cực, phải trốn chui trốn nhủi vì sợ người ta bắt gặp.
Giữa lúc cuộc sống khó khăn nhất, trong anh lại bùng lên ý chí mãnh liệt, rằng anh phải sống. “Sống được mới khó, chứ chết đi thì dễ lắm. Tôi phải sống, tôi mà chết thì người ta càng nói tôi bị ma bắt, khổ lây cả gia đình mình. May thay, trong những ngày khó khăn ấy, vẫn còn có người tốt bụng, mang cho tôi ít thức ăn, nước uống để sống qua ngày”, Đinh Jit nhớ lại.
2.
Những ngày tháng ảm ảnh trong rừng rú rồi cũng bị bỏ lại sau lưng. Một ngày cuối năm 2010, Đinh Jit may mắn gặp một người đàn ông tốt bụng, đưa anh xuống Quy Nhơn, đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế). Không chỉ được chữa bệnh, Jit còn được những người cùng cảnh ngộ coi như người thân, tận tình chăm sóc. Và, cũng chính trên mảnh đất mới này, cơ duyên đã ghép đôi anh với một người cũng mắc bệnh phong - chị Kson Hơ Veo (sinh năm 1986, quê ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).
Không như Đinh Jit, Hơ Veo mắc phải bệnh phong khi mới 5 tuổi. Nhà có đến 6 anh chị em, ba mẹ Hơ Veo vừa sợ hãi, vừa bất lực trước căn bệnh quái ác mà con gái phải mang. Không chịu nổi sự ghẻ lạnh của bà con trong làng, cha mẹ Hơ Veo đành đoạn mang con gái bỏ vào rừng để tránh liên lụy. Rồi, số phận cũng không bỏ rơi cô gái nhỏ, khi Hơ Veo được đưa vào Quy Hòa để chữa bệnh.
Những cư dân làng phong Quy Hòa đến nay vẫn còn nhắc về chuyện tình của Đinh Jit - Hơ Veo với sự khâm phục lẫn cảm mến. Bởi, khi 2 người quyết định xây tổ ấm thì cô gái đã có một đứa con với người khác. Khi được hỏi, anh không ngại khi lấy người đã có con hay sao, chàng trai Bana cười tươi: “Tôi thấy Hơ Veo rất chân thật, cô ấy nói bị một gã xấu bụng lừa, đến khi biết Hơ Veo mang thai thì hắn lại chạy mất. Tôi tin Hơ Veo, thương hoàn cảnh cô ấy còn khổ hơn mình, nên quyết định đến với nhau”.
Cứ thế, đôi vợ chồng từng bị ruồng bỏ, tưởng chừng ngã quỵ nhưng rồi vẫn đứng lên, nương tựa nhau mà sống. Rồi, họ cũng được bù đắp, khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời. Một đứa con trai lành lặn, khỏe mạnh và luôn tươi cười, để ba mẹ quên hết những tháng ngày cực nhọc đã qua.
3.
Theo ông Trần Công Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân ở làng phong Quy Hòa, từ những cư dân thưa thớt ban đầu, lượng bệnh nhân phong tại làng hiện đã quá 400 người. “Đa phần người mắc bệnh phong được chữa trị xong vẫn muốn gắn bó với nơi này. Bởi, ở đây họ được sống cùng với những người cùng cảnh ngộ trong sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia nỗi vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Được chữa khỏi bệnh, có người khỏe mạnh đi biển, nhưng cũng có người chân tay yếu ớt, chẳng làm lụng được gì nhiều. Vì thế, sự giúp đỡ của cộng đồng càng có ý nghĩa. Nhiều gia đình của người bệnh phong đã cố gắng vươn lên, cho con cái học hành đàng hoàng. Đó là niềm vui lớn nhất của cộng đồng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Về trường hợp Đinh Jit, ông Nghĩa cho hay, vì sức khỏe của anh không được tốt, nên mọi người bàn nhau giao cho anh việc trông coi nghĩa địa Quy Hòa, nơi yên nghỉ của những người bệnh phong. Hằng ngày, anh thăm nom, quét tước cho các ngôi mộ, chăm cây xanh. Khoản thù lao ít ỏi cũng được anh co kéo, cộng với chị đi làm thuê làm mướn, cũng đủ chăm lo cho gia đình nhỏ của họ. Jit bảo, quan trọng là mình có hạnh phúc, chứ tiền bạc ít nhiều có quan trọng chi đâu…
PHONG NGUYÊN