Lợi ích thiết thực của việc lập di chúc
Theo Điều 646 Bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Từ thực tế những vụ án tranh chấp về tài sản, nhà cửa đất đai do cha mẹ chết nhưng không để lại di chúc cho thấy đây là việc nên làm. Tuy nhiên, trong thực tế còn có nhiều người chưa quen với việc này…
Lo xa
Sau khi bán ngôi nhà trong hẻm nhỏ, gom góp tiền mua một căn nhà mới ở mặt phố ở chung với vợ chồng người con trai trưởng, vợ chồng ông Nguyễn Nay, 75 tuổi, ở phường Lê Lợi, Quy Nhơn nghĩ đến việc lập di chúc phòng bất trắc xảy ra. Sau khi tham vấn luật sư, vợ chồng ông Nay họp 4 người con công bố ý nguyện của ông bà thể hiện qua văn bản di chúc đã được lập: Sau khi vợ chồng ông mất, ngôi nhà ông đang ở sẽ được giao lại cho vợ chồng người con trai cả sở hữu với điều kiện anh này phải chịu trách nhiệm chính chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đến hết đời, hương khói cho ông bà; sau khi cha mẹ mất, phải thối lại cho 3 người em số tiền trị giá bằng nửa ngôi nhà (tính theo thời giá). Các con ông ai nấy cũng đều đồng tình.
Khác với ông Nay, ông Lê Văn Kiếu (phường Thị Nại, Quy Nhơn) lại có hoàn cảnh gia đình khá phức tạp khi ông có hai dòng con với hai đời vợ. Dù đang sống với người vợ sau và các con chung, nhưng ông Kiếu luôn nghĩ đến việc cho các con riêng của mình một ít tài sản gọi là kỷ niệm sau khi mình mất đi. Ông Kiếu tâm sự: “Tôi biết nếu tôi nói ý định này với gia đình hiện tại tất sẽ bị vợ con phản đối quyết liệt, nhưng với tôi, con nào cũng là con. Có lẽ tôi phải đến luật sư để được tư vấn kỹ hơn rồi mới đưa ra quyết định. Tôi không muốn sau này khi tôi mất đi trong nhà lại xảy ra chuyện anh em tranh giành nhau vì tài sản…”.
Chuyện ông Kiếu lo là đúng, bởi trong thực tế đã xảy ra không ít vụ việc anh em ruột tranh giành quyết liệt nhà cửa, đất đai sau khi cha, mẹ qua đời. Thậm chí, đánh nhau đến lỗ đầu chảy máu, chết người, cũng chỉ vì tranh giành hơn thua. Luật sư Võ Hồng Nam, Trưởng văn phòng luật sư Nam Luật (đường Hai Bà Trưng, Quy Nhơn), cho biết, trong những năm gần đây, người lớn tuổi, thường từ 65 tuổi trở lên, đến nhờ tư vấn về việc tặng, cho tài sản hoặc để lại di chúc nhiều hơn trước. Có trường hợp ban đầu định đến nhờ tư vấn cho, tặng con nhà, đất nhưng sau khi nghe tư vấn, họ thay đổi ý định ban đầu mà thay vào đó làm di chúc.
Hạn chế khiếu kiện, anh em mất tình
Luật sư Nam cho biết thêm: “Tôi giải thích cho họ biết, hợp đồng tặng, cho tài sản sẽ có hiệu lực pháp lý ngay sau khi hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu. Sau này, lỡ như cha mẹ đau yếu cần bán nhà để lấy tiền chữa bệnh thì họ cũng không có quyền định đoạt khối tài sản này nữa. Trong thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp cha mẹ bị con bạc đãi sau khi đã chuyển quyền sở hữu tài sản cho con. Nhưng di chúc thì lại khác. Nó chỉ có hiệu lực khi người để lại di chúc qua đời. Di chúc cũng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ để lập một bản mới… Nói nôm na, di chúc giống như là phần thưởng “treo” của bố mẹ đối với các con”.
Theo nhận định chung của ngành tòa án, tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp về nhà cửa, đất đai của cha mẹ để lại sau khi mất nhưng không có di chúc, chiếm phần lớn trong các vụ án tranh chấp dân sự. Thường gặp nhất là các anh em phân bì, tranh giành tài sản đối với người được hưởng trọn phần di sản, chủ yếu là nhà, đất.
Quyền của người lập di chúc (Điều 648 Bộ luật Dân sự): Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Một thẩm phán phụ trách mảng dân sự cho biết, theo suy nghĩ của người xưa thì nhà cửa, đất đai của cha mẹ sẽ được giao lại cho người con trai trưởng, hoặc người con trai út để lo việc cúng tế, hương hỏa cho ông bà, nên cứ xưa bày nay làm. Tuy nhiên, luật pháp ngày nay quy định nếu cha mẹ chết không để lại di chúc thì các con đều có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật ngang nhau, không phân biệt con trai hay con gái, con thứ hay con trưởng. Trong mọi trường hợp, nếu cha mẹ để lại di chúc, thể hiện ý chí của họ trong việc phân chia tài sản cho các con sau khi họ mất, nêu rõ trách nhiệm của người quản lý di sản… sẽ hạn chế rất nhiều được tình trạng người trong một nhà khiếu kiện, anh em mất tình mất nghĩa.
Luật sư Nam cũng lưu ý thêm, một số trường hợp nấn ná không muốn lập di chúc sớm vì nghĩ rằng làm như vậy chẳng khác nào như “trù ẻo”, hoặc chờ đến mãn tang chồng/vợ mới lập di chúc, đến khi muốn lập di chúc thì lại quá muộn vì không còn đủ minh mẫn để lập di chúc; hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế (quá 10 năm kể từ thời điểm người để lại di sản chết). Lúc này tài sản của cha mẹ trở thành tài sản chung của những người đồng sở hữu; muốn chia hoặc bán ngôi nhà của mình phải có sự đồng ý thống nhất của tất cả các đồng sở hữu. “Có trường hợp chồng chết không để lại di chúc, nay người vợ muốn bán nhà mặt đường để mua nhà nhỏ hơn, phần dôi dư chia đều cho các con, nhưng người con trai út của bà không chịu vì anh ta tận dụng mặt bằng buôn bán. Bởi người chồng đã mất trên 10 năm, hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế nên dù rất muốn bán nhà, người vợ cũng chẳng làm gì được… ”- ông Nam đơn cử.
NGUYỄN SƠN