Chăm sóc bệnh nhân lao tại nhà:
Cộng đồng cùng chung tay
66 cộng tác viên tại 25 xã tham gia Dự án “Phối hợp y tế công - tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tại Bình Định” đang là lực lượng tích cực thể hiện vai trò của cộng đồng trong phòng chống lao.
Sau giai đoạn I (9.2011- 9.2013), giai đoạn II của Dự án “Phối hợp y tế công - tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tại Bình Định” do tổ chức PATH (Program for Appropriate Technology in Health) bắt đầu từ tháng 10.2013. Bên cạnh lực lượng chuyên trách lao tại các cơ sở y tế công và tư, đội ngũ cộng tác viên tại 25 xã tham gia dự án (thuộc thị xã An Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, Tây Sơn) đang bám sát địa bàn, giúp người mắc lao dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị, đồng thời tăng cường khả năng phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng.
Quan tâm từng nhà người bệnh
Từ đầu năm 2014 đến nay, 12 bệnh nhân lao đang điều trị tại nhà theo phác đồ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định của xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) đều đặn 2 lần/tháng đón các vị khách quen thuộc: ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch Hội CTĐ xã và tình nguyện viên CTĐ xã. Họ là cộng tác viên của Dự án phòng chống lao dựa vào cộng đồng tại địa phương. Sáng 10.10, chúng tôi theo chân cộng tác viên Nguyễn Thanh Tòng đến thăm nhà anh Lê Văn Tuấn (42 tuổi, ở xóm Ngãi Long, thôn Kiên Ngãi) mắc lao xương khớp. Vừa thấy dáng ông Tòng đầu ngõ, vợ anh Tuấn - chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (35 tuổi) - và người nhà đon đả cười chào. Chị Dung xởi lởi với ông Tòng: “Cháu định mua nước dừa cho ổng (chồng chị - PV) uống nhưng cứ nghe người ta bảo là không tốt. Cháu đang định hỏi thăm thì chú đã ghé nhà”.
Theo lời chị Dung, chuyện nhắc nhở người bệnh uống thuốc, chuyện động viên người nhà chăm sóc, khuyên nhủ người thân mắc lao, cách phòng tránh, ông Tòng và các tình nguyện viên bao giờ cũng chu toàn. Mỗi lúc bối rối về việc chăm sóc chồng hoặc thấy cơ thể anh có dấu hiệu khác thường, chị thường tìm đến các cộng tác viên hoặc chuyên trách lao cấp xã. Những khi bận bịu việc nhà, chuyến ghé thăm định kỳ của cộng tác viên là dịp để gia đình được cung cấp những thông tin cần thiết.
“Vì tâm lý sợ bị người khác biết nhà mình có người mắc lao nên một vài hộ thường ngại khi các cộng tác viên ghé nhà thường xuyên. Nhưng, vợ chồng tôi nghĩ khác. Có bệnh thì phải chữa. Hơn nữa, được quan tâm, hỏi han, nhắc nhở tận nhà như thế này là quý lắm!”, chị Dung chia sẻ.
Đã bước sang tháng cuối trong phác đồ điều trị lao, sức khỏe của ông Nguyễn Văn Châu (65 tuổi, ở xóm Long Khánh, thôn Kiên Long) đã hồi phục hẳn. Việc ông ngày một lạc quan, lại có thể đi bơm thuốc lúa, cắt cỏ, chăn bò… khiến gia đình và cả cộng tác viên phòng chống lao thấy vui. Những cơn đau đầu, ho, giai đoạn đầu “vật vã với thuốc” đã trở thành quá khứ. Ông Châu kể: “Nhờ mấy anh cộng tác viên phát hiện sớm nên tháng 4 vừa rồi, tôi được chuyển đến các cơ sở y tế điều trị. Sang giai đoạn điều trị tại nhà, có sự động viên, nhắc nhở của cộng tác viên, cộng thêm sự cố gắng của bản thân, tôi nhanh chóng hồi phục. Nghe lời các anh, ngay cả lúc bệnh đã đỡ, tôi vẫn uống thuốc và sinh hoạt điều độ, không sử dụng thuốc lá, rượu bia”.
Đến gần hơn với người mắc lao
Không sợ lây nhiễm lao!
Nhiều cộng tác viên chia sẻ, cản trở lớn nhất khi tham gia dự án là việc gia đình lo lắng họ bị lây nhiễm lao. Thông qua tập huấn, nỗi lo ấy đã tan biến khi bên cạnh các kỹ năng vận động, truyền thông xã hội, họ còn được hiểu hơn về bệnh lao, được trang bị các kỹ năng để hạn chế lây nhiễm lao trong quá trình tiếp cận. Việc nhiều năm liền tiếp xúc với người mắc lao mà vẫn khỏe mạnh khiến bản thân họ trở thành một dẫn chứng thuyết phục trong tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân địa phương về bệnh lao.
Chủ tịch Hội CTĐ Nguyễn Thanh Tòng cho biết, 9 tháng đầu năm, địa phương đã sàng lọc cho 62 người nghi mắc lao; có 6 người được chuyển đi khám lao, trong đó phát hiện một trường hợp mắc lao mới. Toàn xã hiện có 12 trường hợp mắc lao đang điều trị tại nhà. Điều đáng mừng là nhận thức của người dân địa phương về bệnh lao đã chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó, Hội CTĐ xã Bình Thành vẫn luôn chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền. Ở giai đoạn II, cùng nhiệm vụ chính là chăm sóc và tiếp cận sàng lọc, xã Bình Thành còn được Tiểu ban Quản lý Dự án - Hội CTĐ tỉnh đánh giá cao khi vẫn liên tục tổ chức tuyên truyền về phòng chống lao tại các buổi sinh hoạt của các cấp hội, đoàn thể.
“Những năm trước, người nghi mắc lao vì sợ bị mọi người kỳ thị nên thay tên đổi họ khi đi khám lao, có khi còn xuống tận tuyến tỉnh để không bị người quen nhìn thấy dẫn đến gây khó cho công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân lao tại địa phương. Nay, người có dấu hiệu nghi lao khi được cộng tác viên tiếp cận và thuyết phục đi khám, xét nghiệm đều đồng tình. Điều này khiến cho công việc của cộng tác viên chúng tôi trở nên nhẹ nhàng hơn”, ông Tòng đúc kết.
Trung bình mỗi tháng, 66 cộng tác viên của Dự án “Phối hợp y tế công - tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tại Bình Định” đã thực hiện hơn 230 lượt chăm sóc tại nhà cho khoảng 130 bệnh nhân. 9 tháng đầu năm, đã có 395 người được chuyển đi khám lao và phát hiện mới 21 trường hợp. Ông Phan Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, ghi nhận: “Các cộng tác viên (nòng cốt là lực lượng cán bộ và tình nguyện viên CTĐ địa phương) đang góp một phần làm nên hiệu quả của chương trình phòng chống lao Quốc gia. Thông qua các cộng tác viên, ngành Y tế chủ động hơn trong phát hiện, điều trị và đến gần hơn với bệnh nhân lao”.
NGUYỄN MUỘI