“Chìa khóa” tăng lương!
Cách nay một năm, cơ quan chức năng cho biết lộ trình tăng lương năm 2014 “tạm hoãn” do ngân sách nhà nước không bố trí được nguồn, nhưng sẽ được tiếp tục trong năm 2015, với mức tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy có thể lộ trình này cũng sẽ lại không được thực hiện trong năm tới.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao nên chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, việc tăng lương cơ bản cho mấy triệu người sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên việc cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách là cần thiết.
Tuy nhiên, nếu không tăng lương sẽ ảnh hưởng tới đời sống cũng như tâm lý chung của người lao động, những người làm công ăn lương. Hiện vấn đề có tăng hay không tăng lương trong năm 2015 vẫn chưa có quyết định cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Dù ngân sách khó khăn, nhưng nhiều người vẫn hi vọng các cơ quan chức năng sẽ tìm được “lối ra” hợp lí cho câu chuyện rất thiết thân với những người sống bằng lương là một bộ phận không nhỏ trong xã hội.
Tuy nhiên, từ chuyện không thể thực hiện lộ trình tăng mức lương tối thiểu do ngân sách khó khăn, liên hệ đến vấn đề năng suất lao động thì thấy rằng đó là hệ quả khó tránh khỏi. Thông tin về năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cho biết, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể: thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Với năng suất lao động quá thấp như vậy thì rõ ràng việc có tích lũy ngân sách để trang trải chi tiêu, trong đó có việc tăng lương, là hết sức khó khăn.
Vì vậy, có thể nói câu chuyện tăng lương chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc chính là năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Nhiều năm qua, tăng trưởng GDP của nước ta đã chậm lại do tác động của suy giảm kinh tế thế giới cũng như yếu kém nội tại mang tính cơ cấu nên đã ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính thực hiện lộ trình tăng lương như dự kiến.
Trở lại câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam thấp, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là tỉ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp. Vì thế, muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tập trung làm tốt chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi hoạt động sản xuất hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
Tuy nhiên, theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cho biết: “Tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỉ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%”. WB khuyến cáo, mặc dù tỉ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với nhiều nước khác nhưng trong thực tế, nhiều công ty Việt Nam vẫn gặp trở ngại đáng kể do khó tìm được những lao động có kỹ năng phù hợp. Vì vậy, cùng với những giải pháp mang tính vĩ mô nói trên, cần phải có các giải pháp trực tiếp là đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm cải thiện được vấn đề năng suất lao động trong tương lai gần.
Có thể nói, “chìa khóa” của vấn đề cải cách tiền lương ở nước ta chính là cải thiện năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải cách bộ máy hành chính tinh gọn. Một khi ba vấn đề mang tính nền tảng này chưa được xử lí tốt thì câu chuyện tăng lương khó có thể “thông đồng bén giọt” như mong muốn.
Hải đăng