Nghệ nhân đánh chiêng Gia Rai
Trong Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XII - 2013, lần đầu tiên xuất hiện dàn cồng chiêng Gia Rai do nghệ nhân Đinh Ngắc chỉ huy biểu diễn. Tiết mục này đã mang lại sự mới lạ, cảm giác thú vị với những tiết tấu, giai điệu độc đáo.
Nghệ nhân Đinh Ngắc đánh dàn chiêng Gia Rai tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XII - 2013.
Bộ cồng chiêng Gia Rai được đánh trong Ngày hội trị giá 30 triệu đồng, do UBND huyện Tây Sơn cấp cho UBND xã Vĩnh An mua vào cuối năm 2012. Cồng chiêng của người dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai có giai điệu hay, tiết tấu phong phú.
“Nghệ nhân Đinh Ngắc có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ truyền thống ở địa phương. Bận rộn với công việc lãnh đạo, nhưng anh vẫn nhiệt tình đóng góp tài năng vào thành công chung của Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh”.
Ông LÊ VĂN HÙNG, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn
Nghệ nhân Đinh Ngắc cho biết: “Tôi tự thiết kế dàn gỗ có vẽ hoa văn truyền thống của dân tộc Bana để chia 15 chiêng ra treo thành 3 tầng, tầng trên 6 chiêng, tầng giữa 5 chiêng, tầng cuối 4 chiêng. Dàn chiêng gồm nhiều chiêng có kích cỡ và âm thanh trầm, bổng khác nhau. Khi độc tấu hoặc hòa tấu cùng dàn cồng chiêng, nhạc cụ khác, phải biết nhiều bài và nắm vững kỹ thuật để đánh nhịp nhàng vào các chiêng phù hợp”.
Tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh vừa rồi, nghệ nhân Đinh Ngắc biểu diễn trên dàn chiêng 15 chiếc, kết hợp với dàn cồng chiêng truyền thống của đồng bào Bana huyện Tây Sơn, giúp cho các tiết mục hát múa, diễn tấu cồng chiêng thêm sinh động, hấp dẫn. Ông Đinh Y Nam, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thành viên Ban giám khảo Ngày hội, nhận xét: “Nhờ sự am hiểu và tài năng biểu diễn của nghệ nhân Đinh Ngắc, bộ cồng chiêng Gia Rai đã làm phong phú và mới mẻ hơn những sắc màu văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh”.
Sinh ra ở làng Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, từ nhỏ Đinh Ngắc (45 tuổi) đã cảm thấy cái tai thích nghe, cái tay muốn đánh cồng chiêng giữa hội làng như các anh, các chú. Cậu bé Đinh Ngắc luôn chú tâm quan sát, học hỏi để dần dần thấm sâu vào tâm hồn những tiết tấu, giai điệu cồng chiêng của đồng bào Bana.
Sau nhiều năm say mê luyện tập, Đinh Ngắc đã trở thành người đánh cồng chiêng nổi tiếng trong vùng. Những dịp lễ hội lớn ở địa phương, Đinh Ngắc luôn được tin tưởng giao chỉ huy dàn cồng chiêng. Đến giờ, người nghệ nhân này vẫn luôn tâm huyết truyền dạy lại cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Đinh Ngắc còn đam mê học hỏi để có thể làm và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc mình. Một số tiết mục biểu diễn nhạc cụ của anh từng đoạt giải trong các hội thi văn nghệ quần chúng cấp huyện. Trong Liên hoan Dân ca Việt Nam khu vực Nam Trung bộ tổ chức tại tỉnh Phú Yên vào tháng 3.2013, nghệ nhân Đinh Ngắc được Sở VH-TT&DL mời đi để đệm đàn gòong, đàn tơ rưng cho các tiết mục hát dân ca của nghệ nhân Bình Định. Sau Liên hoan, Đinh Ngắc còn được “đặt hàng” làm các loại đàn của đồng bào dân tộc tỉnh Phú Yên.
Từ năm 2010, Đinh Ngắc được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An. Đây là điều kiện để anh tiếp tục phát huy vai trò của mình trong định hướng bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương. “Giới trẻ hiện nay không còn muốn học cồng chiêng nữa, mình phải quan tâm tổ chức các lễ hội, hoạt động văn nghệ gắn với các loại hình âm nhạc truyền thống để kéo lần các em, các cháu quay lại. Người cán bộ càng phải có trách nhiệm cao hơn trong việc xây dựng phong trào, biết cách tuyên truyền giáo dục, gắn bó động viên người dân để cùng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống”, Đinh Ngắc tâm sự.
HOÀI THU