Giải quyết việc làm cho người lao động
Công an TP Quy Nhơn vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Long (SN 1981, trú xã Mỹ Cát, Phù Mỹ) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, từ tháng 5.2013 đến tháng 6.2014, Long đã lấy 490 triệu đồng của 12 người với lời hứa sẽ xin việc cho họ vào các cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng sau khi nhận tiền, Long đã “cao chạy, xa bay”, toàn bộ hồ sơ của bị hại đều bị vứt bỏ hoặc bán phế liệu.
Kẻ lừa đảo sẽ bị pháp luật trừng phạt; các bị hại sẽ phải ân hận vì sự nhẹ dạ, cả tin của mình. Nhưng điều mà những người quan tâm đặt câu hỏi là vì sao mà Long dễ dàng lừa đảo nhiều người như vậy? Và vì sao lại có nhiều người trúng quả lừa như vậy? Trước hết có thể lý giải rằng do sức ép của việc làm quá lớn. Số người thất nghiệp hiện quá nhiều; trong đó có những người học hành tử tế, bằng cấp đủ cả nhưng vẫn không tìm được một việc làm đúng với khả năng của mình. Cùng đường nên nghĩ quẩn, làm sai.
Theo bản tin thị trường lao động số 2, do Bộ LĐTB&XH công bố thì số người thất nghiệp trong quý I.2014 là hơn 1,045 triệu người, trong đó có 162.400 người có trình độ đại học trở lên. Trong số những người thất nghiệp, số lượng thanh niên thất nghiệp quý I năm nay là hơn 504.700 người, tăng 17.000 người so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 54.400 người so với quý IV.2013.
Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Quyền lao động và đảm bảo việc làm của người lao động đã được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Lao động đầu tiên ở nước ta. Việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, muốn tạo nhiều việc làm cần phải tăng cường đầu tư và mở rộng sản xuất trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ để tận dụng lao động dư thừa và lao động có ngành nghề truyền thống của nước ta. Phát triển mạnh khu vực dân doanh, trước hết là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nhanh chóng tạo ra việc làm và khả năng thu hút lao động vào sản xuất.
Nhà nước cùng các doanh nghiệp quan tâm đào tạo công nhân có trình độ cao, trình độ lành nghề để cung ứng cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ và xuất khẩu lao động đang có nhu cầu thu hút mạnh. Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động thông qua các hệ thống thông tin, quảng cáo, trang tin việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các hội chợ việc làm để tạo điều kiện cho các quan hệ giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động ký kết các hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước; đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, pháp luật cho lao động xuất khẩu, nhất là thanh niên nông thôn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận được với thị trường lao động trên thế giới, đặc biệt là với những nước có trình độ phát triển cao và đang có nhu cầu thu hút lao động.
Chính sách và giải pháp thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động sẽ góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp được xem là một trong những chính sách cơ bản nhất của quốc gia. Chính sách việc làm nhằm giải quyết thỏa đáng nhu cầu việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm; góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển xã hội.
NGỌC MINH