Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2014:
Doanh nhân Bình Định đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà
Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13.10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. 10 năm qua, cùng với giới doanh nhân Việt Nam, đội ngũ doanh nhân Bình Định đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, quanh vấn đề này.
Đội ngũ nữ doanh nhân Bình Định không chỉ kinh doanh giỏi mà còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội.
- Trong ảnh: Hội Nữ doanh nhân Bình Định thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ doanh nhân Bình Định đối với sự phát triển của tỉnh nhà?
- Cách đây 10 năm, ngày 20.9.2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định về việc lấy ngày 13.10 hằng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. 10 năm qua, cùng với đội ngũ doanh nhân cả nước, các doanh nhân Bình Định đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.200 DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Trong 10 năm qua (2004-2014), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công cuộc phát triển KT-XH.
Theo thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2014 tăng gấp 3 lần so với năm 2004 (tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2005-2014 đạt 10,4%/năm); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2,2 lần (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,1%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 3,2 lần (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,6%/năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gấp 6,33 lần; giá trị tăng thêm trên lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khoảng 20%/năm giai đoạn 2005-2014; lượng khách du lịch tăng gấp 4 lần, doanh thu du lịch tăng gấp 8,6 lần; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3,48 lần (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm) so với 10 năm trước... Kết quả trên có vai trò đóng góp quan trọng của các doanh nhân, DN trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, không chỉ làm ăn giỏi, doanh nhân Bình Định còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chung tay cùng cộng đồng. Tiêu biểu trong số này là các DN: Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty CP Giày Bình Định, Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định…
* Đâu là những hạn chế của các doanh nhân, DN Bình Định, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nhân, DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, một số DN đã phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng; hàng hóa tiêu thụ chậm, nên thời gian thu hồi vốn kéo dài, làm cho DN gặp nhiều khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, một số các DN sử dụng vốn vay không đúng mục đích hoặc các DN thiếu tài sản thế chấp nên khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Một số DN chưa chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu; năng lực quản trị, quảng bá thương hiệu của DN còn nhiều mặt hạn chế; năng lực cạnh tranh của DN và các loại sản phẩm xuất khẩu của tỉnh còn yếu.
Đáng lưu ý, một số DN đầu tư dàn trải nên hiệu quả kinh doanh thấp hoặc thua lỗ dẫn đến yếu về năng lực tài chính. Một bộ phận DN chưa có tầm nhìn chiến lược, thiếu hụt thông tin thị trường và pháp luật; công tác quản trị yếu; công nghệ sản xuất còn lạc hậu; thiếu sức cạnh tranh, tính minh bạch kém, chưa có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả; chưa có tính liên kết giữa các DN với nhau nên hoạt động sản xuất kinh doanh thấp. Ngoài ra, năng suất lao động của một số DN còn thấp dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hạn chế.
* Vậy theo ông, trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nhân, DN Bình Định cần phải làm gì?
- Hội nhập kinh tế thế giới hiện đang là “vấn đề thời sự” và là xu thế tất yếu của thời đại. Chúng ta biết rằng, khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng có nghĩa là các DN trong nước buộc phải bơi ra biển lớn và bước vào “sân chơi chung” của thế giới. Bên cạnh những cam kết WTO, Việt Nam còn xúc tiến nhiều cuộc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do ASEAN; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP; FTA; các thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và châu Phi. Đây là cơ hội lớn song cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, thử thách đối với các DN trong nước và DN Bình Định nói riêng.
Theo tôi, các doanh nhân, DN Bình Định cần nâng cao nhận thức chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động nắm bắt thông tin về nội dung cam kết WTO, các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các rào cản kỹ thuật thương mại quốc tế. Đồng thời, các DN cần phải tái cơ cấu sản xuất, bộ máy quản lý, cân đối nguồn vốn và kế hoạch tài chính đầu tư phù hợp, tiến hành thay thế dần thiết bị kém hiệu quả hoặc đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, tham gia sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường để tăng sức cạnh tranh.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực và kết quả đạt được trong 10 năm qua, các doanh nhân, DN Bình Định sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)