Đổi mới ở giải võ cổ truyền các CLB: Hướng đến nhiều mục tiêu tích cực
Từ trăn trở về việc thúc đẩy công tác bảo tồn võ cổ truyền hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng của các VĐV phong trào, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã có ý tưởng thay đổi một số phương pháp tổ chức giải võ cổ truyền các CLB hàng năm. Dẫu vẫn còn thời gian để cân nhắc, hoàn thiện, ý tưởng này đang nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía.
Kết hợp bảo tồn những bài võ quý
Những năm gần đây, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm lớn đến công tác bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Bình Định. Đã có những đề tài nghiên cứu bảo tồn thập bát ban binh khí; in sách về các bài võ cổ truyền; hỗ trợ hoạt động của các võ đường tiêu biểu phục vụ du lịch…, góp phần lưu giữ nhiều tư liệu quý về võ cổ truyền. Để khuyến khích các võ sư giới thiệu những bài võ hay, đặc trưng của môn phái đến với công chúng, thể hiện sự phong phú, đa dạng của võ cổ truyền Bình Định, việc tăng số bài thi tự chọn ở nội dung biểu diễn đang được tính đến. Khi đó, các võ đường sẽ mạnh dạn hơn trong việc cử VĐV tham gia biểu diễn những bài võ đặc sắc của môn phái mình (kể cả quyền, binh khí ngắn, binh khí dài, nhuyễn tiên…).
“Tôi hoan nghênh những ý tưởng nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị của võ cổ truyền. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, Ban tổ chức cần lưu tâm đến việc kích thích phong trào ở các võ đường bằng hình thức động viên đơn giản như tặng cờ cho các CLB giành thứ hạng Nhì, Ba ở các giải đấu. Nhiều CLB tham gia tích cực, giành nhiều huy chương, đứng Nhì toàn đoàn nhưng vẫn không có cờ từ Ban tổ chức để nhiều người biết đến (chỉ có CLB vô địch nội dung hội thi và đối kháng được nhận cúp, cờ). Đây là điều nên thay đổi ở giải đấu sắp tới”.
Võ sư PHI LONG VINH (Tuy Phước)
Võ sư Phi Long Vinh (Tuy Phước) chia sẻ: “Tôi còn lưu giữ nhiều bài võ của môn phái, nhưng việc truyền lại cho học trò vẫn còn hạn chế, vì chủ yếu tôi cho các em tập những bài quy định để tham gia các giải. Nếu điều lệ giải võ cổ truyền các CLB sắp tới quy định tăng số bài biểu diễn theo hướng ưu tiên những bài của võ đường, tôi rất đồng tình và sẽ sớm truyền dạy cho các võ sinh để giới thiệu những bài võ đặc sắc đến với mọi người”. Có thể nói, ý tưởng chấn hưng những bài võ đang “ẩn mình” trong công chúng rất đáng được lưu tâm. Bởi không chỉ giúp chúng ta phát hiện thêm nhiều bài võ hay của dân tộc, mà còn góp phần “hồi sinh” những tư liệu quý vốn ít được biết đến và có thể đang dần mai một vì có quá ít người lưu giữ.
Tăng sức hút cho nội dung đối kháng
Đối với nội dung đối kháng, ý tưởng về việc chia nhóm tổ chức thi đấu vòng loại tại hai khu vực cũng nhận được sự lưu tâm từ phía những người làm chuyên môn. Theo đó, thay vì tổ chức thi đấu xuyên suốt từ vòng loại đến chung kết tại một địa điểm như trước đây, giải sẽ chia làm hai giai đoạn. Ở vòng loại, sẽ chia ra hai khu vực theo vị trí địa lý, chọn võ sĩ xuất sắc nhất ở từng hạng cân của mỗi khu vực vào thi đấu chung kết (vòng chung kết sẽ diễn ra sau vòng loại một khoảng thời gian nhất định để các võ sĩ có thêm thời gian chuẩn bị). Điều này rất dễ đưa nhiều võ đường mạnh vào chung một nhóm, tạo thành “bảng tử thần”, với sự xuất hiện của Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn (theo dự kiến).
“Ngoài hai ý tưởng đổi mới về cách thức thi đấu ở nội dung hội thi và đối kháng, chúng tôi còn muốn các võ sĩ khi thi đấu phải gắn tên với võ đường của mình như trước đây. Ví dụ, võ sĩ Nguyễn Văn A của võ đường Hồ Bé sẽ được lấy tên khi thi đấu là Hồ A. Việc làm này vừa để vinh danh những võ đường, vừa giúp chúng ta thành lập những “gia phả” cho từng dòng võ”.
Ông BÙI TRUNG HIẾU - Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định
Tuy nhiên, đó không phải là điều quá đáng ngại đối với các địa phương. Vấn đề được nhiều võ đường và cả những người làm công tác thể thao ở cơ sở quan tâm là kinh phí tham dự giải. Bởi hầu hết các CLB, võ đường đều phải tự túc kinh phí khi tham gia giải, việc phải tốn hai lần chi phí di chuyển, ăn ở cho vòng loại và vòng chung kết sẽ gây khó khăn cho không ít võ sư.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT Tây Sơn, phân tích: “Việc phân chia các CLB thi đấu theo khu vực có mặt lợi cho phong trào ở chỗ khán giả ở nhiều địa phương trong tỉnh được theo dõi các trận đấu, góp phần kích thích tinh thần tập luyện võ thuật của thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, những võ đường ở các địa phương phong trào chưa mạnh vẫn có thể tự tin tham gia, vì trình độ chung của các võ sĩ trong cùng khu vực không có sự chênh lệch quá lớn. Nhưng việc phải thi đấu tại hai địa điểm có thể làm tăng chi phí của các võ đường. Có lẽ, ngoài phần kinh phí do Nhà nước cấp, Ban tổ chức cũng cần tìm nhà tài trợ để hỗ trợ một phần giúp các CLB, điều này sẽ kích thích họ tham gia”.
LÊ CƯỜNG