Xóm hấp cá
Từ nửa thế kỷ nay, người ta vẫn gọi khu vực ven bến Hàm Tử (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) ở gần chợ cá Hải Cảng là "xóm hấp cá". Ở đây, những người làm nghề thu gom cá biển các loại từ các tàu ngư dân đánh bắt ngoài khơi về chế biến rồi bỏ mối đi khắp nơi. Hiện nay, cả xóm có đến vài chục lò hấp, thu hút hơn 150 lao động tham gia "công nghệ" hấp cá…
Nghề vất vả
Hơn một tháng nay, do liên tục nhận được "đơn hàng" của khách quen, chị Trương Thị Thoại, chủ một lò hấp cá hầu như không lúc nào rảnh. Chị liên lạc với các chủ tàu cá ở khắp nơi, gom được bao nhiêu cá, xuất hết bấy nhiêu, mỗi ngày thu gom bình quân từ 1-2 tạ cá. Phụ giúp đắc lực cho mẹ trong việc hấp cá là hai đứa con nhanh nhẹn làm việc liên tục. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chị Thoại làm 2 lò đun, đỏ lửa liên tục. Hai lò có thể cho 20kg thành phẩm/mẻ.
"Lúc cao điểm, tui hấp mỗi ngày hơn 2 tạ cá. Khi hết vụ, chỉ hấp vài chục ký mỗi ngày. Tháng mưa làm ít hơn, chủ yếu bán ở chợ…" - Chị Thoại cho biết. Theo chị, từ ngày làm nghề hấp cá, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn trước. Mặc dù chồng chạy theo mối tình khác, chị một nách hai con, chỉ với nghề hấp cá, chị vẫn nuôi được các con trưởng thành.
Quan sát các công đoạn hấp cá, mới thấy rằng, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nghề này không kém phần vất vả. Người làm nghề phải trần mình đến 11 - 12 giờ đêm và thức dậy lúc 2-3 giờ sáng, chờ những con tàu cá của ngư dân hành nghề ngoài biển cập bến. Khác với những người thu mua hải sản tươi sống để cung cấp cho thị trường, để tiện cho việc thu mua cá, những chiếc xe gắn máy của chủ lò hấp luôn được gắn 2 chiếc sọt lưới thép đựng cá. Việc thu mua diễn ra khá chóng vánh, bởi giá cả, chủng loại hàng đã được thống nhất giữa chủ lò và chủ tàu.
Tùy theo con nước, tàu đánh bắt về lúc nào thì đem cá về lúc đó và làm việc không kể ngày đêm, nhằm bảo đảm độ tươi ngon của con cá sau khi thành phẩm. Quy trình hấp cá truyền thống có thể được "gói" theo công đoạn như sau: Trước hết, làm sạch vây, vảy, ruột các loại cá nục, cá cơm, cá ngừ sọc dưa… sau đó, cắt thành từng lát, xếp vào rổ rồi đổ vào chảo nước đã được pha chế đang sôi sùng sục để hấp chín. Tùy loại cá mà thời gian hấp được điều chỉnh phù hợp. Ở các lò hấp lớn, có thuê thêm nhân công, người ta tính tiền công theo từng công đoạn, bảo đảm thu nhập bình quân của người lao động từ 150-200 ngàn đồng/ngày.
Ở bến Hàm Tử, có lò hấp thuê hàng chục lao động tham gia các khâu chế biến, mỗi ngày xuất cả tấn cá biển lên vùng Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. "Ngó vậy chớ nghề hấp cá cũng có những bí quyết riêng. Ví dụ như nước dùng để hấp phải pha chế theo cách riêng sao cho cá thơm, ngon. Khi hấp phải căn thời gian và giữ lửa để cá không mềm quá, cũng không cứng quá, không bị mất thịt và mất chất. Cá sau khi hấp vẫn giữ được hương vị thơm ngon, ngọt, tụi tui thường dùng củi để hấp. Hiện nay, so với hải sản tươi sống, cá biển hấp không đắt lắm, nhưng có những thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu vì có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua đem về dùng hoặc mua làm quà biếu…" - Chị Thoại cho hay.
Cố gắng giữ nghề
Ông Trương Văn Thu, một chủ lò hấp cá ở bến Hàm Tử cho biết, "xóm hấp cá" gắn liền với sự hình thành của nghề cá Quy Nhơn từ hơn nửa thế kỷ nay. Thời kỳ đầu, do lượng cá tươi đánh bắt được quá nhiều, thị trường địa phương tiêu thụ không hết nên người ta nghĩ ra cách chế biến để đem bán ở những vùng lân cận. Rồi theo thời gian, những cư dân ở đây đi làm ăn nơi xa đều mang món cá hấp của quê nhà theo và được nhiều người ở vùng khác khen ngon, nhờ đặt mua giùm. Dần dần, món cá hấp ở vùng biển này đã có mặt ở những sạp khô, mắm trong và ngoài tỉnh.
Còn ngư dân Nguyễn Dư, chủ một tàu cá bộc bạch: "Vì sản lượng khai thác đạt cao cộng với giá cá rẻ nên hầu hết các tàu cá của ngư dân dù được ít, nhiều đều bán cho các chủ lò hấp để chế biến, nếu không bán, cá nát rồi ươn cũng đổ xuống biển. Các tàu cá ở khu vực này mỗi ngày thu mua hàng chục tấn cá nục, tuy bán cho các cơ sở hấp cá có rẻ đôi chút nhưng cũng vớt vát chút chi phí"…
Cũng theo ông Dư, các lò hấp tọa lạc khá gần các khu du lịch biển nên nhiều khách du lịch khi đến Quy Nhơn thường tìm đến. Trong các tour du lịch, việc đưa du khách đến tìm hiểu các làng nghề ven biển, trực tiếp xem nghề hấp cá cũng là hoạt động luôn hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm về cuộc sống của ngư dân ven biển, hiểu được các công đoạn trong nghề hấp cá.
Ông Nguyễn Kiên, Trưởng ban Quản lý chợ cá Hải Cảng thì bày tỏ niềm vui trước sự phát triển của nghề hấp cá, mà theo ông, vừa nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập và tạo nét riêng biệt của xứ biển Quy Nhơn. Ông cho biết, hiện nay, đầu ra sản phẩm của các lò hấp cá đã ổn định, nhiều lúc, sản phẩm làm ra không đủ bán vì nhu cầu tiêu thụ lớn.
Tính trung bình, mỗi ngày, xóm hấp cá chế biến trên dưới 10 tấn cá các loại cung cấp cho thị trường. Từ đầu năm đến nay, ngư dân địa phương trúng đậm cá nục, cá ngừ, do lượng cung vượt cầu nên việc tiêu thụ sản phẩm chậm hơn, đây cũng là điều trăn trở của bà con. Tuy nhiên, sự có mặt của những lò hấp cá đã góp phần giúp cho sản phẩm đánh bắt của ngư dân có đầu ra và giá cả ổn định…
Trăn trở về hướng phát triển của nghề hấp cá truyền thống ở vùng biển quê mình, ông Kiên phân tích thêm: Nghề hấp cá phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn như: Bên cạnh một số cơ sở sản xuất theo quy mô lớn, còn có nhiều cơ sở chế biến sản xuất dưới hình thức hộ gia đình, điều kiện chế biến còn hạn chế, chưa tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại. Nguồn vốn sản xuất của các cơ sở chế biến chủ yếu là vốn tự có, chưa có các dự án hỗ trợ vốn đầu tư để phát triển nghề. Sản phẩm làm ra mới chỉ được tiêu thụ theo kiểu "du kích", chưa tạo được thương hiệu riêng để quảng bá sản phẩm.
"Nếu được đầu tư, phát triển hợp lý, nghề hấp cá sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân địa phương trong việc giải quyết việc làm, nhất là duy trì nghề truyền thống gắn liền với nghề khai thác hải sản của vùng biển quê hương…" - Ông Kiên khẳng định.
Theo Long Nguyễn - Văn Giang (báo Biên phòng)