Mô hình sản xuất phân bón từ rác thải sinh hoạt ở Hoài Nhơn: Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN, thuộc Sở Công Thương) phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức nghiệm thu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất phân bón từ rác thải sinh hoạt (RTSH) tại Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh (Công ty Duy Anh). Mô hình đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại địa phương.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn xảy ra tình trạng vứt, đổ RTSH bừa bãi, gây ÔNMT. Theo ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Trung tâm KC-TVPTCN, qua khảo sát của cơ quan chức năng, tình trạng vứt, đổ RTSH bừa bãi xảy ra phổ biến nhất là ở địa bàn các xã: Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Hải. Thống kê cho biết, lượng rác thải hàng ngày tại 4 xã này khoảng 20.327 kg.
Điều đáng lo ngại là tình trạng vứt, đổ RTSH bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan khu đô thị, khu dân cư mà còn gây ÔNMT đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trước tình hình này, được sự hỗ trợ của UBND huyện Hoài Nhơn và Trung tâm KC-TVPTCN tỉnh, Công ty Duy Anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ để triển khai thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất phân bón từ RTSH.
Theo ông Trần Anh Tài, Giám đốc Công ty Duy Anh: Theo thiết kế, hiệu suất xử lý rác của nhà máy đạt khoảng 97% lượng rác đầu vào và tỉ lệ rác chôn lấp chỉ chiếm khoảng 3%. Sản phẩm mùn của nhà máy sẽ được dùng để chế biến phân hữu cơ, các loại rác vô cơ có thể tái chế để sản xuất gạch không nung, tấm lợp sinh học… Mô hình có tổng mức đầu tư khoảng 8 tỉ đồng; trong đó Trung tâm KC-TVPTCN hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn Chương trình KC Quốc gia năm 2014.
Cũng theo ông Trần Anh Tài: Bên cạnh xây dựng các hạng mục công trình, Công ty đã đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, dây chuyền chế biến rác thải, máy phun chế phẩm sinh học, xe rác chuyên dụng, hệ thống phòng cháy-chữa cháy; hệ thống điện… Riêng kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị chiếm gần 3,9 tỉ đồng. Đặc biệt, Công ty đã mua 2 xe chở rác chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác từ 4 xã Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Hải đưa về nhà máy xử lý và chế biến phân bón.
Qua nghiệm thu, mô hình đã được Hội đồng khoa học Sở Công Thương đánh giá cao. Theo ông Nguyễn Bá Tài, bước đầu, lượng rác thu gom trên địa bàn 4 xã nói trên đạt khoảng 25 - 30m3/ngày và sẽ tăng lên 40-50m3/ngày. Khi mô hình đi vào hoạt động ổn định sẽ đạt công suất 480 tấn sản phẩm/năm, dự kiến Công ty Duy Anh sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 23 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
VIẾT HIỀN