Trung tâm BTXH Đồng Tâm: Lo “cần câu” cho người khuyết tật
Với sự ra đời của Công ty TNHH MTV May thêu Đồng Tâm, mong ước tạo việc làm cho những mảnh đời kém may mắn, giúp họ tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng của đội ngũ cán bộ Trung tâm BTXH Đồng Tâm, bước đầu trở thành hiện thực.
Trăn trở chuyện “cần câu”
Chuyện làm sao để người khuyết tật (NKT) tại Trung tâm có việc làm ổn định là trăn trở chung của cán bộ Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Hơn 10 năm trước, Trung tâm liên kết với đơn vị đan mây xuất khẩu Thành Đồng để dạy nghề và thực hiện gia công sản phẩm. Đáng mừng, cơ sở Thành Đồng còn trả tiền công nhỉnh hơn cho NKT của Trung tâm trên mỗi đơn vị sản phẩm. Khoản thu nhập trung bình 500 ngàn đồng/người/tháng từ nghề đan mây đã phần nào giúp một số NKT tự chăm lo cho bản thân. Song, chuyện nhân rộng thêm nghề ra nhiều cá nhân khác lại trở nên khó khăn khi đầu ra về đan mây xuất khẩu của cơ sở này chững lại. Vậy nên, nhiều năm nay, chỉ có 5 NKT thực hiện gia công sản phẩm đan mây.
Sang năm 2013, Trung tâm mở lớp thêu tay do chị Huỳnh Thị Nga - người khuyết tật từng có thời gian học nghề và làm việc tại Công ty Tranh thêu tay XQ Đà Lạt - đứng lớp. Các học viên vừa học vừa thêu gia công sản phẩm theo đơn hàng của Công ty Tranh thêu tay XQ Đà Lạt. Đến nay, 9 học viên của lớp đã tương đối thạo nghề.
Trao đổi về triển vọng của công việc, cô giáo Nga hào hứng: “Sau một thời gian phối hợp, Công ty Tranh thêu tay XQ Đà Lạt đánh giá cao về những sản phẩm do chính tay các học viên của lớp thực hiện. Họ yên tâm và đề xuất gửi về Trung tâm lượng mẫu nhiều hơn. Số mẫu mà họ đề xuất có thể đảm bảo cho khoảng 20 học viên làm thường xuyên”.
Tháng 9.2014, Trung tâm tiếp tục mở một lớp may giày da cho NKT tại Trung tâm khi nhận được sự hỗ trợ về đào tạo cũng như thu mua sản phẩm hoàn thiện của cơ sở giày da Hà Phương (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn). Đầu tháng 10.2014, một lớp may công nghiệp cũng được khởi động.
“Dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho các em vẫn luôn là tâm nguyện của đội ngũ cán bộ Trung tâm, phụ huynh và cả nhà tài trợ. Song, nhiều năm qua, các dự định về việc làm vẫn còn chưa hoàn thiện. Các lớp nghề của Trung tâm hiện nay tồn tại nhiều điểm đáng bàn: lớp đan mây không thể mở rộng thêm người học và người làm; lớp thêu tay khả quan về nguồn công việc và đầu ra thì lại chưa tuyển đủ học viên. Dẫu vậy, năm nay, tập thể Trung tâm vẫn quyết tâm tạo đột phá trong vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho NKT”, ông Nguyễn Đình Nhâm, Giám đốc Trung tâm tâm sự.
Khởi động “mái nhà việc làm chung”
Song song với việc mở thêm các lớp nghề mới, Trung tâm BTXH Đồng Tâm xúc tiến thành lập Công ty TNHH MTV May thêu Đồng Tâm. Đây là nguyện vọng ấp ủ nhiều năm của tập thể Trung tâm. Ông Nguyễn Đình Nhâm khẳng định: “Nhân lực chúng tôi có. Các em dù khiếm khuyết cơ thể nhưng lại rất chăm chỉ và sáng dạ nếu được chỉ dạy đúng cách. Hiện, Trung tâm đang có hơn 20 máy may công nghiệp, 2 máy vắt sổ do Công ty CP May Nhà Bè chi nhánh An Nhơn, Prudential Bình Định và anh Tuấn (ở đường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) tài trợ.
Ngoài lực lượng may thêu có sẵn và đang đào tạo thêm, Trung tâm còn có 27 NKT thuộc nhóm Tự lực (nhóm NKT sinh hoạt tại Trung tâm nhưng làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân) hiện đang làm việc tại các công ty may. Việc công ty hình thành, đi kèm với lượng công việc ổn định, đội ngũ này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, dìu dắt các em khóa sau trong công việc. “Phần lớn học viên nghề may đều là trẻ khiếm thính. Chúng tôi và các em đều đã thân thiết nên dễ dàng trao đổi và hướng dẫn nhau trong công việc. Công ty thành lập ngay tại Trung tâm sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển, tránh vất vả cho các em bị khuyết tật vận động và khiến phụ huynh yên tâm”, cô giáo phụ trách lớp may công nghiệp Đào Thị Mộng Hằng chia sẻ.
Bên cạnh nguồn sản phẩm dồi dào từ Công ty Tranh thêu tay XQ Đà Lạt, thời gian tới khi nhân lực đã đảm bảo, Trung tâm dự định sẽ phát triển thêm nhiều mẫu thêu đặc trưng Bình Định. Về lĩnh vực may công nghiệp, đội ngũ phụ trách lớp may đã chào hàng các mẫu giẻ lau gỗ trong sản xuất công nghiệp để tạo việc làm cho học viên trong giai đoạn học nghề. Đã có 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Tân Nam Bình và Công ty CP Cosevco 75 - cùng ở phường Bùi Thị Xuân) đặt hàng.
NGUYỄN MUỘI