Hoạt động khuyến nông-khuyến ngư năm 2014: Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo nghiệm, xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi mùa vụ hợp lý, giúp nông dân trong tỉnh nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất.
Xây dựng thành công nhiều mô hình
Trong năm 2014, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân tham quan, học tập, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng hàng chục mô hình, điểm trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.
Đáng chú ý là mô hình sử dụng thuốc sinh học Biorat diệt chuột ở vụ Đông Xuân (ĐX) với quy mô 2.150 ha tại 7 huyện - thị xã trong tỉnh, tổng lượng thuốc đã cấp hỗ trợ cho các địa phương là 6,45 tấn. Trong đó, Trung tâm KN-KN hỗ trợ 50% kinh phí mua thuốc từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp, 50% kinh phí còn lại các địa phương trích ngân sách chi trả. Các địa phương còn chi thêm kinh phí mua thuốc, nâng diện tích lúa được diệt chuột bằng thuốc sinh học Biorat trong vụ ĐX lên hơn 8.200 ha, gần bằng 18% diện tích lúa ĐX của tỉnh.
Kết quả, so với vụ ĐX trước, diện tích bị chuột cắn phá trong toàn tỉnh giảm hơn 80%. Các huyện có phong trào tổ chức diệt chuột bằng thuốc Biorat đạt hiệu quả cao là Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn và Phù Mỹ.
Đối với công tác khuyến ngư, Trung tâm đã thực hiện thành công mô hình ương tôm hùm bông giống nuôi trong lồng tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn với quy mô 4 lồng nuôi, kích thước 6 m2/lồng, có 7 hộ trực tiếp tham gia. Sau khi được tập huấn kỹ thuật ương tôm hùm giống, các hộ tham gia mô hình đã thả giống với mật độ 35 con/m2, tương đương 210 con/lồng 6 m2. Thức ăn để nuôi ương tôm hùm giống chủ yếu là hàu, ghẹ, cá các loại đảm bảo tươi sống, đủ dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng của tôm; lượng thức ăn sử dụng vừa phải, phù hợp với kích cỡ phát triển của tôm giống trong từng giai đoạn sinh trưởng. Kết quả, với trọng lượng tôm giống thả nuôi ban đầu 0,2 - 0,3g/con (tôm trắng), sau gần 4 tháng ương nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỉ lệ tôm sống đạt 96,7%; tôm giống phát triển khá đồng đều, không mắc dịch bệnh, trọng lượng đạt bình quân 65 - 70g/con (yêu cầu đề ra là 50g/con). Với giá tôm giống thời điểm hiện tại là 450 ngàn đồng/con (50g/con), sau khi trừ chi phí người nuôi lãi 17,9 triệu đồng/lồng.
Chú trọng nhân rộng
Bên cạnh xây dựng các mô hình điểm để nông dân học tập kinh nghiệm, công tác thông tin - huấn luyện, chuyển giao tiến bộ KHKT cũng được Trung tâm chú trọng. Trong năm 2014, Trung tâm KN-KN đã tập trung tuyên truyền có hiệu quả các giải pháp sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT và UBND tỉnh; các biện pháp diệt chuột, phòng trừ dịch bệnh bảo vệ cây trồng vật nuôi; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn nông dân các giải pháp sản xuất và xây dựng cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, đa dạng các mô hình KN-KN. Trung tâm đã ưu tiên xây dựng các mô hình, điểm trình diễn tại các xã miền núi, vùng cao, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nắm bắt được các kỹ thuật sản xuất mới để phát triển sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm KN-KN, cho biết: Để công tác KN-KN mang lại hiệu quả tích cực, bền vững, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với tiêu thụ nông sản theo mô hình liên kết chuỗi. Xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Thắt chặt mối liên kết cùng có lợi giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp), tăng cường công tác dự báo thị trường, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, giúp nông dân tăng thu nhập.
“Các mô hình KN-KN trong năm nay được thực hiện tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: thâm canh lúa nước ở vùng cao; khảo nghiệm các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh; xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, đậu phụng; trồng bắp non làm thức ăn gia súc; sản xuất lúa lai ở vùng khó khăn lương thực; chăn nuôi gà an toàn sinh học; nuôi vỗ béo bò; nuôi cá vược trong ao tôm suy thoái; ương tôm hùm giống nuôi trong lồng; diệt chuột bảo vệ lúa bằng thuốc sinh học Biorat… Qua đánh giá tổng kết, hầu hết các mô hình đều triển khai đúng tiến độ, đạt năng suất, hiệu quả cao”.
Tiến sĩ NGUYỄN THỊ TỐ TRÂN, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh
NGUYỄN HÂN
hiện tại tôi muốn kinh doanh mô hình trồng nấm ở Bình Định. quê của tôi hiện tại ở Thôn Nhơn Sơn - Xã Ân Nghĩa - huyện Hoài Ân - Tỉnh Bình Định. tôi nhận thấy mô hình trồng và kinh doanh nấm ở Bình Định chưa cao. nên tôi muốn hỏi thăm ý kiến của Ban Lãnh Đạo. rất mong nhận được nhiều lời đóng góp ý kiến. thân ái..... hiện tại tôi rất muốn thực hiện mô hình kinh doanh này.