Thị trường bán lẻ - nhộn nhịp mua bán, sáp nhập
Thị trường bán lẻ trong nước đang ở giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng lại chứng kiến sự nhộn nhịp của những thương vụ mua bán, thâu tóm và mở rộng của các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước.
Nhộn nhịp thâu tóm, chuyển nhượng
Nhanh chân nhất trong lĩnh vực này là nhà phân phối Lotte Shopping với thương hiệu Lotte Mart. Nhà bán lẻ thuộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc này hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối để đưa vào khai thác một điểm kinh doanh mới tại số 20 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Vị trí này là trung tâm mua sắm thứ hai của nhà bán lẻ trong nước Pico được Lotte Mart “thuê lại dài hạn” sau trung tâm thứ nhất tại số 229 Tây Sơn, Hà Nội. Ngoài hai vị trí trên, Lotte Shopping cũng đã thỏa thuận thuê lại thêm 2 điểm kinh doanh khác của Pico ở Hà Nội. Như vậy, Pico - nhà bán lẻ điện máy lớn của khu vực phía Bắc đang thu hẹp dần, thay vào đó là thương hiệu của nhà bán lẻ Hàn Quốc.
Trước Pico, Lotte Mart cũng nhanh chóng khai thác toàn bộ mặt bằng kinh doanh của tòa nhà The EverRich, ngay góc đường Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM với thời gian hoạt động kéo dài 50 năm. Nhưng điều mà giới kinh doanh trong ngành chú ý, đó là khi bắt đầu vào thị trường Việt Nam năm 2006, Lotte Mart đã hợp tác với doanh nghiệp (DN) thương mại trong nước là Minh Vân để hình thành liên doanh với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD (bởi theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ở thời điểm đó Việt Nam chỉ mở cửa thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (FDI) theo hình thức hợp tác liên doanh với DN trong nước). Nhưng ngay khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho DN FDI đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài thì Lotte Shopping đã nhanh chóng chuyển từ liên doanh thành DN 100% vốn FDI. Chuỗi kinh doanh của Lotte Shopping ngày càng phủ rộng ở các TP lớn và đang trở thành một trong những điểm đến mua sắm của người tiêu dùng trong nước, nhất là những ai chuộng hàng Hàn Quốc.
Nhưng đối thủ nặng ký đối với các nhà bán lẻ trong nước hiện nay còn phải kể đến Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. BJC đã gây sốc khi bỏ ra 655 triệu EUR (khoảng 879 triệu USD) để thâu tóm 19 trung tâm phân phối và bất động sản liên quan tại nhiều tỉnh, thành phố của Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử kinh doanh lĩnh vực phân phối Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nếu để ý thì việc gây sốc này của BJC không phải lần đầu mà hồi nửa đầu năm ngoái, nhiều người tiêu dùng trong nước cũng đã không khỏi bất ngờ khi thấy chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart quen thuộc ngày nào đã đổi tên thành B’s mart với diện mạo hoàn toàn mới. Chiến thuật thâu tóm nhanh hơn 40 cửa hàng FamilyMart của BJC đã làm cho nhà bán lẻ sừng sỏ Nhật Bản FamilyMart cũng phải thừa nhận là không kịp trở tay, nên đành phải rời khỏi liên doanh với đối tác Việt Nam là Phú Thái, “nhường” toàn bộ vị trí kinh doanh của mình cho BJC. Với đà này, BJC giờ đã phát triển gần 100 cửa hàng B’s mart. Và trước khi thâu tóm tất cả điểm bán của FamilyMart, năm 2012, BJC cũng chi 32 triệu USD mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một DN phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các nhà sản xuất trong nước đang lo lắng việc sở hữu nhiều điểm kinh doanh của BJC tất yếu sẽ giảm dần hàng Việt để ưu tiên sản phẩm của DN đồng hương BJC.
Sự sôi động của việc mua bán, sáp nhập đối với thị trường bán lẻ trong nước không chỉ diễn ra đối với DN FDI mà cả với DN trong nước khi mới đây Tập đoàn Vingroup công bố mua lại 70% vốn của Công ty Ocean Retail - đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm 9 siêu thị và 4 cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc. Vingroup cũng đồng thời đổi Công ty Ocean Retail thành Công ty CP siêu thị VinMart để phát triển hai thương hiệu bán lẻ mới là VinMart và VinMart+ với kế hoạch xây dựng hệ thống gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Ra đi vì lợi nhuận?
Vì sao Metro và nhiều thương hiệu bán lẻ nội địa khác lại quyết định bán hết hệ thống kinh doanh của mình để rút khỏi thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam?
Chuyện kinh doanh có lãi hoặc lỗ của Metro ở Việt Nam hiện vẫn là ẩn số và chờ sự điều tra của cơ quan quản lý nhà nước. Có điều giới quan sát nhận định quyết định bán đi chuỗi kinh doanh này cho BJC, Metro chắc chắn sẽ thu về một khoản lợi nhuận rất lớn. Theo số liệu tổng hợp về đầu tư của Metro ở Việt Nam tính đến tháng 5-2013, tổng vốn đầu tư của 19 trung tâm Cash & Carry là hơn 301 triệu USD. Sau năm 2013, Metro không đầu tư thêm trung tâm mới nào. Như vậy so với giá bán 879 triệu USD cho BJC, Metro nhận được một khoản lời rất lớn.
Tương tự, trả lời báo chí về thương vụ bán cổ phần của mình cho Vingroup, Tổng giám đốc Ocean Group Dương Trọng Nghĩa cho rằng tập đoàn cũng bán được với giá hời. Do ràng buộc của bên mua, Ocean Group hiện chưa thể tiết lộ giá trị hợp đồng. Nhưng theo ông Nghĩa đây là mức giá có lợi cho Ocean Group và cả Vingroup vì Ocean Mart sẽ giúp Vingroup thực hiện nhanh hơn kỳ vọng của họ ở thị trường bán lẻ. Ông Nghĩa cũng cho biết, có lẽ ngành bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn nên ngay từ khi Ocean Mart mở ra đã có rất nhiều đối tác tìm hiểu đặt vấn đề. So với các đối tác đến từ Pháp, Mỹ, Hồng Công, Hàn Quốc... đối tác Thái Lan và Vingroup đặt vấn đề nghiêm túc nhất.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc hệ thống phân phối trong nước giảm đi cũng đồng nghĩa cơ hội đưa hàng trong nước sản xuất vào kinh doanh cũng ít dần. Khi đó, hàng hóa của các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ tràn đầy hàng hóa nhập khẩu hay của Thái, Hàn, Nhật...
Theo Xuân Lộc (SGGP)