Hoạt động văn nghệ học đường ở Trường PT DTNT tỉnh:
Chú trọng văn hóa truyền thống
Là ngôi trường nuôi dạy con em các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh, trong hoạt động văn nghệ học đường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (PT DTNT) luôn chú trọng việc định hướng cho học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Tiếp nối truyền thống
Nam sinh Đoàn Bá Chinh (lớp 12A3), người dân tộc Bana ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, là một trong số hạt nhân văn nghệ nổi trội của trường. Ngoài tham gia đội cồng chiêng, Chinh còn biết đánh trống kơ-toang, một loại nhạc cụ nổi tiếng của người Chăm, Bana Vân Canh, và thổi sáo. Chinh kể: “Em biết đánh cồng chiêng, chơi một vài nhạc cụ từ hồi học cấp 2, vì yêu thích và nhờ được các bác, anh trong làng chỉ dạy. Đến khi xuống học ở trường, em tham gia sinh hoạt trong đội cồng chiêng từ năm lớp 10. Sinh hoạt trong đội này, ngoài “sở trường” đánh chiêng 5 của người Bana Vân Canh mình, em còn biết đánh loại chiêng 12 của người Bana Vĩnh Thạnh do các bạn Bana Vĩnh Thạnh hướng dẫn, chia sẻ”.
Học ở phố, xa nhà, xa những dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng ở làng, song vẫn được gắn bó với âm điệu cồng chiêng qua sinh hoạt đội nhóm sở thích hay những chương trình văn nghệ của trường, với cậu học trò Đoàn Bá Chinh là nguồn an ủi. Mỗi khi về nhà, nhìn bộ chiêng 5 đủ 8 chiếc của gia đình treo trên vách, ý thức về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của dân tộc mình như càng sâu đậm trong lòng cậu học trò. “Bên cạnh việc biết thêm 1 loại chiêng của người Bana ở địa phương khác, mỗi khi về làng, em để ý tìm hiểu sâu hơn về loại chiêng 5, về nội dung, ý nghĩa, hoàn cảnh sử dụng của từng bài chiêng, siêng thực hành để nhuần nhuyễn hơn về cách đánh, vì đó là nét riêng của người Bana quê em”, Chinh tâm sự.
Một “cây văn nghệ” chủ lực khác của trường là Đinh Thị Hồng Trang, người dân tộc Bana ở làng L2, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. Hát hay và múa đẹp là ưu thế văn nghệ của cô học trò Bana này. Hồng Trang là thành viên đội cồng chiêng (tham gia đội múa xoang) và thường giữ vai trò múa chính trong các tiết mục múa của trường, nhất là múa cồng chiêng, các điệu múa Tây Nguyên hay dân vũ DTTS… Hồng Trang cũng là người góp phần mang về chiếc HCV cho trường ở tiết mục song ca (bài H’ren lên rẫy) khi tham gia Ngày hội VH-TT các trường PT DTNT toàn quốc lần VII tại Cần Thơ hè 2014 vừa rồi. Các bài dân ca Bana Đe oc năm học (Các em đi học), Gạt ba đưng xuân (Gặt lúa mùa đông xuân)… là những bài hát yêu thích nằm lòng của Trang. “Khi đi học, các bok, các giá ở làng lẫn bá, mí đã căn dạy em, rằng mình là người Bana, phải biết, hiểu, yêu văn hóa của tộc người mình. Mí dạy em cách vấn khăn đầu để xuống trường khi cần đội, tự mình biết cách vấn cho đúng. Người lớn tâm huyết truyền dạy, thanh thiếu niên có ý thức giữ gìn, phát huy, nhờ đó mà văn hóa truyền thống của người Bana Vĩnh Thạnh mới đỡ bị mai một trong điều kiện ngày nay, em nghĩ vậy nên noi gương, muốn đóng góp phần mình”, Hồng Trang nói, chững chạc hơn tuổi 17 của mình.
Gìn giữ và phát huy
Theo thầy giáo Lưu Lê Tư Lệnh, Bí thư Đoàn trường, song song nhiệm vụ chính dạy và học, tạo một đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh cho học sinh để hỗ trợ các em gắn bó trường lớp, yên tâm học tập là mối quan tâm lớn của trường. “Các em sống xa gia đình nên mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên trong trường cũng chính là người thân của các em. Nhà trường luôn quan tâm và tận dụng tối đa điều kiện để tổ chức đa dạng các sân chơi nhằm tạo môi trường văn hóa, đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh cho các em. Là trường của học sinh DTTS nên văn nghệ thể thao học đường mang bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS cũng là thế mạnh, đặc trưng của trường”, thầy Lệnh cho biết.
Được biết, đội cồng chiêng - múa xoang của Trường PT DTNT tỉnh đã có từ lâu và hàng năm được phát hiện, bổ sung thành viên mới để duy trì. Trong đội cồng chiêng lại có các nhóm cồng chiêng của người Bana, Chăm Vân Canh; của người Bana Vĩnh Thạnh; người H’re An Lão. Ngoài đội cồng chiêng với cách thức sinh hoạt, biểu diễn tập thể, những học sinh có khả năng chơi nhạc cụ cũng được nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện về nhạc cụ để sinh hoạt… Ban Văn-Thể, Đoàn trường và Công đoàn phối hợp rất chặt chẽ và đều tay trong xây dựng phong trào văn nghệ, thể thao của trường. Trường từng tổ chức những cuộc thi rất hay như thi thiết kế trang phục dân tộc, thi làm nhà sàn, nhà rông… Hiện trường gần kết thúc đợt thi đẩy gậy, kéo co, nhảy dây vào mỗi dịp cuối tuần; cuối tháng 10 sẽ thi bóng chuyền giữa cô giáo, các cô bảo mẫu và học sinh nữ; sang tháng 11 sẽ thi văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam!
Tuy vậy, dấu ấn văn hóa truyền thống trong phong trào văn nghệ học đường của học sinh Trường PT DTNT tỉnh đang có dấu hiệu nhạt đi. Nguyên nhân là học sinh có năng khiếu ngày một ít dần. Theo thầy Lệnh, những năm trước, trường có nhiều học sinh có năng khiếu và đa dạng năng khiếu, dễ lập các CLB, đội - nhóm sở thích (nhóm hát dân ca, nhóm dân vũ, nhóm chơi nhạc cụ…) và phát triển phong trào, còn hiện nay, dù rất cố gắng phát hiện, bồi dưỡng nhưng những học sinh như thế ngày càng hiếm.
Được biết, Đoàn trường đang có ý tưởng xây dựng chương trình phát thanh buổi sáng, vừa phát những bản tin, câu chuyện giáo dục bổ ích, đồng thời xen kẽ những chương trình văn hóa văn nghệ DTTS để bồi đắp thêm tình yêu cội nguồn văn hóa trong các em. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ đề xuất nhà trường ra quy định về việc mặc trang phục dân tộc truyền thống trong tuần. “Để bồi đắp văn hóa truyền thống cho học sinh DTTS, mà cụ thể là dạy các em biết hát, múa, chơi nhạc cụ và chơi đúng, chơi hay, có lẽ hiệu quả nhất là do chính nghệ nhân giỏi ở địa phương dạy cho các em. Nếu gắn kết giữa 4 huyện có học sinh theo học (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn) và nhà trường để làm được điều này thì công tác giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho học sinh DTTS sẽ bền vững, có chiều sâu”, thầy Lệnh trăn trở.
SAO LY