Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella:
Tất cả vì sự an toàn của trẻ
Đảm bảo tỉ lệ tiêm và an toàn tiêm chủng là 2 mục tiêu hàng đầu của Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella trong Tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015. Hơn nửa tháng qua, ngành Y tế tỉnh nỗ lực để đạt cả 2 mục tiêu này.
Tính đến hết ngày 15.10, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành tiêm vắc-xin sởi - rubella; với 69.621 trẻ được tiêm, đạt 53,73% so với lượng trẻ dự kiến cần tiêm trong đợt 1 của Chiến dịch. Đến thời điểm này, vẫn chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Trưởng Trạm Y tế phường Nhơn Hòa Huỳnh Văn Thành khám cho bé Nguyễn Bích Vân (4 tuổi, ở khối Phụ Quang) trước khi tiêm.
Tìm trẻ để tiêm
Đợt 1 của Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella, huyện Vân Canh có 45 điểm tiêm, trong đó có 7 điểm tiêm lưu động tại cộng đồng. Mở đầu Chiến dịch, Đội Y tế dự phòng huyện triển khai tiêm tại 6 điểm lưu động ở xã Canh Liên và 1 điểm ở xã Canh Hiệp. Từ 29.9 đến 10.10, 7 cán bộ của Đội Y tế dự phòng huyện “cơm đùm gạo nắm” rong ruổi khắp các làng với phương châm “tìm trẻ để tiêm”.
“Trời mưa suốt trong mấy ngày chúng tôi ở Canh Liên, việc di chuyển giữa các làng vô cùng khó khăn. Hôm phải đi từ làng Cát sang làng Kà Bông, may mà trời sững mưa, nếu không chúng tôi không thể hoàn thành lịch tiêm theo kế hoạch”, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Vân Canh Nguyễn Thị Thúy kể.
Chị Thúy tâm sự, trẻ em vùng cao vốn nhút nhát, nghe tiêm chích càng hãi. Cán bộ y tế phải bỏ tiền túi mua bánh kẹo “dụ” các em. Nhiều lần nhân viên y tế thôn phải chở cán bộ huyện lên nhà rẫy, ra ruộng để tìm trẻ mà tiêm. Thế mà, vẫn còn sót 9 trẻ. “4 học sinh cấp 2 bị ốm, 2 học sinh cấp 1 nghỉ học, 3 trẻ theo mẹ lên rẫy. Đầu tháng 12, chúng tôi sẽ quay lại để tiêm vét, không để sót trẻ nào”, chị Thúy khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quang Tư, chuyên trách tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, điều đáng ghi nhận qua thời gian đầu tổ chức Chiến dịch là sự vào cuộc hết mình của các cán bộ y tế cơ sở. “Tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm, họ cũng không quản ngại khó khăn để tổ chức các điểm tiêm tại cộng đồng. Nhờ đó, dù thời tiết những ngày qua không thuận lợi, nhưng tiến độ thực hiện Chiến dịch vẫn được đảm bảo”, ông Tư nhận định.
An toàn là trên hết
Chưa tới 14 giờ ngày 13.10, học sinh Trường Mầm non Vân Canh đã bắt đầu bữa ăn nhẹ. Bữa ăn được tổ chức sớm hơn thường lệ, để các em ấm bụng trước khi tiêm vắc-xin sởi - rubella. Theo Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Thanh, Trường hiện có 6 lớp với 179 trẻ. Hoạt động tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ được chia thành 2 buổi, sáng 4 lớp, chiều 2 lớp.
Ngày 13.10, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã thực hiện giám sát hoạt động tiêm chủng vắc-xin sởi - rubella tại Bình Định. Đoàn đã giám sát tại điểm tiêm Trạm Y tế xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và Trường Mẫu giáo thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), kiểm tra ngẫu nhiên tại xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn). Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác tổ chức của ngành Y tế và ý thức của phụ huynh trong quá trình triển khai tiêm.
“Trước khi tổ chức tiêm, tôi có xin ý kiến của Phòng Giáo dục huyện, để buổi sáng trẻ tiêm xong thì phụ huynh đón về luôn. Phòng có “hội ý” với bên y tế, rồi quyết định cứ giữ trẻ ở lại trường, vừa tiện cho phụ huynh, vừa thuận cho việc theo dõi trẻ. Trạm Y tế thị trấn Vân Canh cử cán bộ ở lại sau tiêm, nhân viên y tế của Trường cũng ở lại cả trưa để quán xuyến tình hình”, cô Thanh cho hay.
Hội trường rộng của Trường Mầm non Vân Canh là nơi bố trí điểm tiêm. Trên tường đối diện bàn tiêm là số điện thoại của bác sĩ Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Vân Canh. Tất cả phụ huynh có con học buổi chiều đều có mặt để bế trẻ khi tiêm. Bé Trần Trung Hải vừa được tiêm xong, anh Trần Văn Hợp (ở làng Hiệp Giao, thị trấn Vĩnh Thạnh) bế con ra hành lang đợi. Hải đã được tiêm 2 mũi sởi vào năm 2010 và 2011, nhưng vẫn thuộc diện tiêm trong đợt này. “Mới tối qua, đọc báo thấy có vụ mấy chục trẻ bị sởi ở Nghệ An, tôi thấy lo quá. Dù gì cũng ráng cho con tiêm đủ vắc-xin”, anh Hợp chia sẻ.
Điều đáng ghi nhận ở đợt tiêm vắc-xin sởi - rubella này là các phụ huynh rất có ý thức trong việc tìm hiểu, tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng. Ông Phạm Đồng (65 tuổi, ở khối Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) phải nuôi 3 đứa cháu nội. Sáng 14.10, đứa cháu út Phạm Lê Hiếu Lộc (2 tuổi) được tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế phường. Tiêm xong, ông bế cháu ngồi đợi cùng nhiều người khác. “Còn nhiệm vụ nấu cơm cho 2 đứa lớn về ăn rồi học ca chiều, nhưng cũng phải ráng chờ cho qua 30 phút theo quy định”, ông Đồng tếu táo.
“Ngoài thời gian đợi 30 phút tại trạm, chúng tôi còn lưu ý phụ huynh theo dõi sát sao trẻ, nhất là 4 tiếng sau tiêm. Số điện thoại của tôi được thông báo rộng rãi để bà con liên lạc khi cần thiết”, Trưởng trạm Huỳnh Văn Thành cho biết.
Tại Vĩnh Thạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng cũng là sự quan tâm hàng đầu khi triển khai Chiến dịch. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh Hứa Tự Thảo cho hay, Trung tâm đã thành lập 4 đội cấp cứu lưu động, mỗi đội có 1 bác sĩ chuyên khoa 1 và 1 điều dưỡng giỏi. Trong đó, có 2 đội “cắm chốt” tại 2 xã xa nhất là Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim. Trong khi đó, tại Phù Cát, Đội Y tế dự phòng phối hợp chặt chẽ với khoa Khám của Trung tâm Y tế huyện, với mục tiêu xử lý kịp thời tất cả các trường hợp tai biến. “Tất cả cán bộ, nhân viên của Đội đều được huy động xuống xã giám sát”, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Phù Cát Trần Văn Hòa cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG