Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định:
Triển khai nhiều biện pháp chống ngập
Ông Tống Thành Công
Vào mùa mưa, một số khu vực nội thành Quy Nhơn thường bị ngập, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Liệu mùa mưa năm nay tình trạng trên có còn xảy ra? PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Tống Thành Công, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định.
● Ông có thể cho biết vì sao một số khu vực nội thành Quy Nhơn vẫn còn bị ngập cục bộ khi có mưa lớn, trong khi hệ thống thoát nước mưa đã được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện?
- Công ty hiện quản lý trên 140 km đường có hệ thống cống, mương thoát nước và hàng ngàn hố ga trên nhiều tuyến đường nội thành Quy Nhơn. Trước đây, do hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ lâu, đã nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, song không đồng bộ, qua thời gian sử dụng đã bị xuống cấp, nhiều cống nước bị hư hỏng, rác thải và bùn đất bồi lấp nhiều nên khi gặp mưa lớn không tiêu thoát kịp. Ngoài ra, một số người dân lấn chiếm đường phân lũ để xây nhà trái phép, nhiều hộ vứt rác trước miệng cống, lấy gạch, đá bịt cống thu nước, nên khi có mưa lớn nước không có đường thoát, gây ngập. Trong tình hình như vậy, khi xảy ra mưa lớn, nhiều tuyến đường nội thành Quy Nhơn thường bị ngập, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2013 đến nay, tình trạng nói trên đã dần được khắc phục khi hệ thống cống thoát nước mưa và thu gom nước thải ở nội thành Quy Nhơn từng bước được xây dựng. Ngoài ra, trong khuôn khổ Dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn, Ban quản lý dự án đã lắp đặt hơn 3.000 hố ga ngăn mùi kiểu mới trên các tuyến đường, cơ bản hạn chế được mùi hôi thối phát tán từ các hố ga.
Tuy nhiên, hiện nay Dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn đang thi công lắp đặt hệ thống cống tại các tuyến đường: Nguyễn Thị Định, Tây Sơn, đoạn đường Phan Bội Châu đến Bạch Đằng, khu vực công viên Quang Trung đến bến xe cũ… nên khi xảy ra mưa lớn, nước mưa tại các tuyến đường nói trên thoát không kịp. Một số khu vực và tuyến đường khác bị ngập úng cục bộ, do chưa có hố ga thu nước hoặc có nhưng số lượng miệng thu còn ít...
● Công ty đã triển khai các biện pháp gì để phòng chống ngập khu vực nội thành trong mùa mưa bão năm nay, thưa ông?
- Trong các đợt mưa tháng 8 và tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra các điểm thường hay bị ngập cục bộ, đồng thời triển khai các biện pháp chống ngập. Tại khu vực ngã 5 Đống Đa, Công ty đã sử dụng tấm đan thu nước mặt bằng gang thiết diện rộng thay cho tấm đan cũ bằng bê tông xi măng, đồng thời lắp đặt thêm 4 tấm đan khác để thu nước mưa. Khu vực ngã ba Hoa Lư-Phùng Khắc Hoan; Diên Hồng-Phạm Ngũ Lão… cũng đã được lắp đặt cống thoát nước. Công ty cũng nạo vét các hố lắng trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ nhằm giải quyết tình trạng ngập trên tuyến đường này và đường Võ Văn Dũng. Hẻm 04 Nguyễn Thái Học đã được Công ty lắp đặt các hố ga thu nước để chống ngập.
Việc nạo vét đất cát trong các ống cống trên các tuyến đường nội thành cũng đang được thực hiện. Hiện công ty đang huy động nhân lực, phương tiện, phấn đấu nạo vét trên 4.500 m3 đất, cát và rác thải trong các đường ống cống và nạo vét đất cát trong 2.250 hố ga ngăn mùi trên các tuyến đường.
● Còn việc xử lý ngập trong thời điểm xảy ra mưa lũ?
- Hiện nay, Công ty đã thành lập 2 đội xung kích xử lý hệ thống cấp thoát nước và duy trì hệ thống thoát nước. Đội số 1 chịu trách nhiệm quản lý các phường: Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng, Ngô Mây, Lê Hồng Phong, một phần phường Trần Phú, Đống Đa, Nhơn Phú. Công ty yêu cầu đội 1 chú ý các điểm: Hồ Bàu Sen, Hóc Bà Bếp, xóm Tiêu, đường Nguyễn Thái Học, ngã 3 Hoàng Văn Thụ-Xuân Thủy, đường Võ Văn Dũng, Nguyễn Huệ, Ngô Mây nối dài, công viên Nguyễn Thái Học-Diên Hồng, ngã tư Trần Thị Kỷ… Đội số 2 chịu trách nhiệm quản lý các phường còn lại, trong đó chú ý khu vực chợ Đầm, ngã ba Ông Thọ, đường Trần Cao Vân, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Hùng Vương và các cửa xả Hoa Lư, Đống Đa, Xuân Diệu…
Thời điểm xảy ra mưa lũ, Công ty chỉ đạo các đội bố trí công nhân trực 24/24 giờ tại các khu vực đã được phân công để kiểm tra, vớt rác trước các miệng hố ga và thu gom các vật dụng khác vận chuyển đến địa điểm tập kết. Tại các khu vực thấp trũng, khi nước dồn về với lưu lượng lớn, tiến hành tháo dỡ các tấm đan thu nước mặt để tăng khả năng tiêu thoát nước, nhưng phải dựng các biển báo, thanh chắn, đèn hiệu và bố trí người canh giữ tại các điểm này. Tại các khu vực miệng xả cống, lưu lượng nước chảy qua lớn, phải chuẩn bị đầy đủ máy móc, công cụ, phương tiện để vớt rác và khơi thông dòng chảy.
Qua kiểm tra các tuyến đường nội thành Quy Nhơn, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều hộ dân thường xả rác ra đường và dùng mọi vật liệu để lấp các cửa thu nước. Khi xảy ra mưa lớn, người dân không tháo dỡ các vật cản, nước mưa không thoát được đã gây ngập nhiều tuyến đường. Bởi vậy, để hạn chế tình trạng ngập nước trong mùa mưa, bên cạnh sự nỗ lực của Công ty, đề nghị UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo chính quyền các phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không gom rác thải để trên miệng hố ga, không dùng các loại vật liệu che bít các miệng hố ga, nhất là tại các tuyến đường lâu nay thường hay bị ngập…
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)