An Nhơn được mùa lúa
Đến giữa tháng 10 này, cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh, năm nông nghiệp 2014 ở thị xã An Nhơn kết thúc thắng lợi. Toàn bộ diện tích 7.077 ha lúa vụ Hè-Thu, trong đó chân ruộng 2 vụ lúa 6.849 ha, trên chân 3 vụ chỉ còn 220 ha đều đã thu hoạch xong trước khi mùa mưa lũ đến.
Vậy là hai năm liền 2013- 2014, An Nhơn được mùa lúa và được sản lượng lương thực từ cây có hạt. Năm 2013, sản lượng lương thực vượt qua ngưỡng 102 ngàn tấn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến được mùa, trong đó nổi lên là chuyển đổi cơ cấu giống lúa thích hợp, đi liền với đó là biện pháp phòng trừ sâu bệnh và tích cực chuyển đổi mùa vụ và từng bước xây dựng hơn chục cánh đồng mẫu lớn (bình quân 37 ha/ cánh đồng), liên kết sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm... Từ làm ba vụ trong năm, nhiều năm qua, nhất là ba năm 2012, 2013, 2014, toàn thị xã quyết tâm thay đổi tập quán làm hai vụ. Một số nơi trước đây còn chần chừ, lo ngại “hai bác không bằng ba chén” nhưng hiệu quả thực tế mang lại đã có sức thuyết phục nông dân. Trong hơn 7.200 ha đất trồng lúa, đến nay An Nhơn chỉ còn 220 ha trồng lúa ba vụ, rải rác ở một số cánh đồng các xã, phường: Bình Định, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Mỹ.
Từ xa xưa, các lão nông tri điền từng nói: “Nhất thì, nhì thục”. Từ sản xuất ba vụ lúa chuyển sang làm hai vụ trong năm đã chứng minh đúc kết của người xưa là hoàn toàn đúng. Sản xuất hai vụ lúa đồng nghĩa với bỏ vụ ba, không luyến tiết tập quán canh tác đã lạc hậụ, tập trung thâm canh hai vụ Đông-Xuân và Hè-Thu ăn chắc. Nhờ vậy mà cơn lũ lịch sử tháng 11.2013 ập đến, toàn bộ diện tích lúa chân hai vụ đã thu hoạch xong, hạt lúa khô đã vào nhà, vào kho, chỉ còn một số diện tích lúa vụ ba bị ngập không đáng kể. Làm hai vụ lúa vừa né thiên tai bão lũ, vừa có thời gian để đất “nghỉ ngơi”, bổ sung dinh dưỡng cho vụ sau. Vụ Đông-Xuân thu hoạch xong là đất được cày ải phơi khô, quả là: “Nhất đổ ải, nhì vãi phân”. Không làm vụ Ba là giảm hẳn chi phí sản xuất một vụ, giảm thời gian lao động của người nông dân trên đồng ruộng, nhất là trong mùa mưa lũ vất vả, nhiều người tranh thủ làm việc khác để tăng thêm thu nhập.
Những yếu tố đó đã giúp nâng cao độ đồng đều về năng suất lúa giữa các vùng xưa kia vốn chênh lệnh khá xa, góp phần nâng cao năng suất lúa bình quân toàn thị xã. Hai năm liền 2013-2014, An Nhơn đã xóa mức năng suất dưới 60 tạ/ha/vụ ở hầu hết các xã, phường. Đồng đất xã Nhơn Tân bạc màu là thế mà năng suất lúa vụ Đông-Xuân năm ngoái cũng đạt 60 tạ/ ha, Đông-Xuân năm nay lên 63/5 tạ/ha. Trước kia, chênh lệnh năng suất lúa giữa đơn vị cao nhất với đơn vị thấp nhất đến vài chục tạ/ha/vụ. Các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An hoặc phần lớn diện tích ở các xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc và các phường Nhơn Hưng, Đập Đá, Bình Định… nhờ đồng đất phì nhiêu, nên năng suất lúa đạt cao. Còn các xã phía nam như Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ vốn là vùng đất bạc màu, năng suất lúa rất thấp., Vài ba năm lại đây, khoảng cách ấy đã rút ngắn đáng kể. Ví như vụ Đông- Xuân 2013-2014, những đơn vị có năng suất lúa cao như phường Bình Định: 72,8 tạ/ha, Nhơn An: 72,7 tạ/ha, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Hạnh đạt từ từ 71,7- 72,5 tạ/ha; thì một số xã xưa kia vốn có năng suất thấp như Nhơn Lộc đã bứt phá trong thâm canh để lọt vào “tốp” trên 72 tạ/ha, Nhơn Thọ 67,5 tạ/ha, Nhơn Tân cũng đạt 63,tạ/ha.
Cơ quan chức năng đang tính toán, đánh giá chính thức năng suất, sản lượng cây lúa và ngô vụ Hè-Thu để công bố mức sản lương thực cây có hạt cả năm 2014. Diện tích gieo trồng cây lương thực giảm so với nhiều năm trước do các xã, phường ở An Nhơn đều thực hiện chuyển đổi làm hai vụ. Chẳng hạn, so với năm ngoái thì diện tích lúa giảm 540 ha, ngô giảm 448 ha. Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỷ thuật liên hoàn nên năng suất cả lúa, ngô (lúa đạt 65,5 tạ/ha, ngô đạt 57,8 tạ/ha) và nhiều loại cây trồng khác đều tăng hơn năm ngoái và cả những năm trước đó. Trong đó, cây lúa được mùa nhất, sản lượng lượng cả năm cũng sẽ vượt qua con số100 ngàn tấn.
Được mùa lúa, gấp hai lần rưỡi so với những năm mới giải phóng, người An Nhơn rất phấn khởi nhưng vẫn luôn trăn trở. Ngoài việc chịu tác động của thời tiết, khí hậu, người nông dân không thể chủ động giả cả đầu vào và đầu ra. Giá bán nông sản trong đó có hạt thóc không bao giờ theo kịp giá chi phí sản xuất. Thêm vào đó, đất canh tác bình quân đầu người quá ít… Hy vọng, chính sách tam nông, nhất là chính sách với người trồng lúa, sẽ ngày càng đi vào thực tiễn sản xuất trong quá trình đầu tư, thâm canh cây trồng, vật nuôi gắn với tiến trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới một cách đích thực, vì nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
TRẦN DUY ĐỨC