Chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn:
Giải pháp hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất
Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng các loại cây trồng cạn nhằm hạn chế rủi ro, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.
Nhiều diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả đã được nông dân xã Cát Hải (Phù Cát) chuyển sang trồng đậu phụng đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Trong ảnh: Tham quan cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phụng ở Cát Hải. Ảnh: T.Sỹ
● Xin ông cho biết kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư có hệ số rủi ro cao, trong tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, rủi ro càng cao hơn. Điều mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận được là thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường. Vụ Đông Xuân, thường thời tiết rất lạnh, gây nghẹt rễ và chết lúa. Vụ Hè Thu và vụ 3 lại thường hạn hán, bão lụt, sâu bệnh phát sinh gây hại lúa trên diện rộng, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng.
Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất; các địa phương như: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn… đã thực hiện khá tốt công tác này. Đáng chú ý là trong tình hình nắng hạn gay gắt, thiếu nguồn nước tưới nghiêm trọng, vụ sản xuất Hè Thu năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 11.871 ha đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả, sang sản xuất bắp, đậu phụng, đậu nành, mè và rau màu các loại. Nhờ đó, đã tiết kiệm được lượng nước tưới khá lớn, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.
Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do quy mô sản xuất còn manh mún; trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều giữa các vùng; việc đầu tư thâm canh, ứng dụng KHKT vào thực tế sản xuất vẫn còn hạn chế. Nhiều địa phương còn lúng túng trong quy hoạch và lựa chọn cây trồng phù hợp; việc liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm trồng trọt còn hạn chế, nên lợi nhuận đem lại cho người nông dân chưa như mong muốn.
● Định hướng của tỉnh trong thời gian tới về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào, thưa ông?
- Tỉnh ta đã và đang tập trung quy hoạch lại sản xuất theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng cạn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Quy hoạch sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp từ nay đến năm 2015 và 2020 của ngành Nông nghiệp tỉnh là giảm dần diện tích lúa từ 111.242 ha/năm hiện nay xuống còn 109 ngàn ha vào năm 2015 và 103 ngàn ha vào năm 2020. Chú trọng áp dụng các tiến bộ KHKT, giống mới để tăng năng suất lúa đạt mức bình quân 60,6 tạ/ha vào năm 2015 và 63,2 tạ/ha vào năm 2020. Bên cạnh đó, tăng diện tích trồng bắp lai từ 8.400 ha hiện nay lên 12.000 ha vào năm 2015 và 15.000 ha vào năm 2020; tăng diện tích trồng đậu phụng và các loại cây trồng cạn khác phục vụ ngành chế biến thức ăn gia súc. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ khôi phục lại các làng nghề truyền thống, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
● Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả hơn, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
- Các giải pháp mà ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai thực hiện là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm từng bước thay đổi tư duy của nông dân, lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường, tiến tới sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, rà soát lại quỹ đất ở từng địa phương, tổ chức quy hoạch, bố trí lại các vùng sản xuất tập trung, trên cơ sở lợi thế so sánh của mỗi vùng, từng bước thay đổi công thức luân canh, thâm canh theo hướng giảm số lượng sản phẩm hiệu quả thấp, khó tiêu thụ sang sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ.
Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, bấp bênh nguồn nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, ớt, rau dưa các loại để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và nguồn vốn để đẩy mạnh công tác phát triển giống cây trồng. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cung ứng giống để thu thập, khảo nghiệm, sản xuất các giống lúa và cây trồng cạn mới có triển vọng, chọn ra những giống cây trồng có tiềm năng về năng suất, chất lượng phù hợp, chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất lợi của thời tiết, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.
Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức và mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin thị trường để hỗ trợ nông dân tiếp cận với doanh nghiệp, thị trường và ngược lại; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển giống cây trồng với những điều chỉnh phù hợp ở từng giai đoạn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)