Mưu sinh theo con nước
Nằm giữa xã Mỹ Thắng và một phần xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), bàu Thanh Thủy rộng trên 130ha, có hình dáng như một lòng chảo. Từ bao đời nay, đã có biết bao thế hệ lớn lên từ nguồn nước mát của bàu. Mùa nước lên, lượng cá tôm từ đầm Trà Ổ kéo về đây, sinh sôi nảy nở rất nhanh, là nguồn lợi vô kể của bà con sống quanh vùng.
Cuộc mưu sinh trên bàu Thanh Thủy hầu như diễn ra quanh năm, chỉ trừ tháng 5 và tháng 6, thời điểm khô hạn, nắng gắt, bàu không còn nhiều nước. Khi ấy, nước chỉ còn đọng lại trong các ao, mương và lũ trẻ con thường rủ nhau đi tát cạn để bắt cá. Đến tháng 7, trời bắt đầu đổ mưa, nước dâng lên, nguồn thủy sản lại phong phú, đa dạng, đủ các loại cá, tôm, cua, ốc.
Theo ông Trịnh Văn Sơn, nghề “làm bàu” cũng lắm gian nan.
Lắm tôm, nhiều cá
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng Trương Xuân Vũ, bắt đầu mùa mưa, khi nước trên bàu dâng lên, cá tôm từ đầm Trà Ổ kéo về bàu Thanh Thủy qua cầu thôn 4 và cầu thôn 7 Bắc. “Sau những trận mưa lớn, chúng tôi không cho bà con đi chài, giăng lưới hoặc đơm lợp ở những khu vực này, để hạn chế tình trạng ngăn cản nguồn thủy sản từ đầm kéo về. Khi đã về tới nơi, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở, và thật sự là nguồn mưu sinh của bà con sống quanh bàu”, ông Vũ lý giải.
Để tận mắt nhìn thấy nguồn lợi dồi dào của bàu Thanh Thủy, chúng tôi theo chiếc sõng câu của ông Phan Văn Thọ, 64 tuổi, ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng. Chiếc sõng lòng vòng khắp mặt bàu. Nhô cao khỏi mặt nước là những đám lát thẳng đứng. Lát chỉ được khai thác vào mùa khô, để bán cho những thương nhân ở xa đến. Mùa nước lên, lát lại theo con nước mọc lên um tùm.
Ngang mặt nước, bông súng thi nhau đua nở. Ông Thọ nói: “Súng ở đây bao la bát ngát, chỗ nào cũng có. Thân súng đem luộc chấm nước mắm thì ngon hết ý. Mấy đứa cháu tôi đi học xa, lần nào về cũng bứt súng mang theo khoe với đám bạn về đặc sản quê nhà”. Súng nhiều là thế, nhưng khi nước rút người ta phải nhổ bỏ đi để lấy ruộng sạ lúa. Dưới những thân súng ấy, rong rêu mọc um tùm như rong đuôi chồn, rong lá hẹ, rong cơm, rong chiên… Đặc biệt, rong đuôi chồn và rong lá hẹ là nguồn thức ăn cho heo của người dân sống quanh bàu. Các loại rong và cỏ ở đây còn là nguồn thức ăn không thể thiếu cho trâu, bò; là nguồn phân ủ cho bà con trồng mì, trồng khoai vào mùa tháng 10, tháng 11.
Đưa sào qua mấy con mương, ông Thọ bảo người dân sống quanh bàu chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản. Cá, tôm ở đây nhiều vô kể. Chỉ khi không còn nước, cá, tôm không ở được thì mới hết. Bàu này có đủ các loại cá như cá trê, cá diếc, cá trắm cỏ, cá rô đồng, cá thát lát, cá cui, cá chạch, cá sặt… nhưng nhiều nhất phải kể đến cá rô phi và cá tràu. Nói đoạn, ông Thọ nhìn lồng cá trên ghe, tiếp: “Đây này, mới đi chưa đầy một tiếng mà đã được ngần ấy, từ giờ đến tối sẽ còn nhiều hơn nữa!”. Cả lồng có gần hai chục chú rô phi, chú nào chú nấy béo tròn.
Sau khi đã thả gần hết lưới và lợp, ông Thọ áp sát vào sõng của ông Hồ Văn Cò (ở thôn 4, xã Mỹ Thắng) đang lừa đàn vịt thả rông. Nhìn đàn vịt ú líu, con nào con nấy căng diều, sà sệch, vỗ cánh phành phạch, ông Cò phấn khởi: “Nhờ có dòng nước ngọt và nguồn lợi thủy sản trên bàu Thanh Thủy mà bà con mình có cái ăn cái mặc, còn lo cho con học hành nữa. Tôi chăn vịt trên bàu này đã hơn 10 năm, thức ăn mua cho vịt không tốn bao nhiêu mà chủ yếu tận dụng từ bàu này, thành ra cũng có của ăn của để”.
Ở bàu Thanh Thủy, không chỉ cá mà các loài thủy sản khác như tôm, lươn, cua, ốc cũng rất phong phú. Tôm ở bàu Thanh Thủy là một đặc sản góp phần tạo nên “thương hiệu” bún tôm Phù Mỹ nổi tiếng.
Vợ chồng anh Trịnh Văn Gõ chuẩn bị hơn 500 lưỡi câu mỗi ngày.
Sống nhờ nguồn “nước xanh”
Những lần rong ruổi theo con nước ở bàu Thanh Thủy, nghe bà con “đồn”, anh Trịnh Văn Gõ, 44 tuổi, ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng, là người “làm bàu” giỏi nhất ở đây, chúng tôi liền tìm đến. Nhìn những dụng cụ như lợp, lờ, lưới, dẹp tép, dẹp tôm… để trước nhà, đủ biết anh Gõ “đa năng” đến thế nào.
Đem chuyện lời đồn để hỏi, anh Gõ cười lớn, rồi điềm tĩnh kể: “Gia đình tôi gắn bó với bàu Thanh Thủy đã mấy đời rồi. Riêng tôi, cũng hơn 30 năm trong nghề. Tôi làm đủ loại dụng cụ đánh bắt, khi nào thấy thời tiết phù hợp thì đem ra dùng. Dạo này bàu nhiều cá tràu, nhà nào cũng đi câu”.
Nói xong, anh Gõ cùng vợ ngồi móc mồi vào hàng trăm lưỡi câu đang đặt trong thúng. Anh cho biết: “Cá tràu thích nhất là mồi tươi sống, đặc biệt là ếch, nhái. Nhưng ngày nào bà con cũng lùng bắt nên ếch, nhái giảm nhiều. Vậy nên, tôi thay bằng mồi trùn, chúng sống dai khi móc vào lưỡi câu và đi giăng vẫn còn sống, gây chú ý nên cá dễ đớp mồi”.
Vợ chồng anh Gõ chuẩn bị hơn 500 lưỡi câu mỗi ngày, khoảng 4 giờ chiều bắt đầu đi cắm, mang theo cơm nước ăn đêm, mùng mền theo ngủ. Những hôm cá cắn câu nhiều, khi trời sáng thể nào trong ghe vợ chồng anh cũng có hơn 15kg cá lóc, giá bình quân dao động 50 - 60 ngàn đồng/kg, thu nhập trên dưới 750 ngàn đồng. Ngoài giăng câu, anh Gõ còn tranh thủ thả lợp. “Lợp rất dễ thả và tiện lợi hơn dẹp tôm nhiều. Mỗi đêm, tôi thả 50 cái lợp, sáng ra bán tôm, cua được 200 ngàn đồng, nhờ đó, cả nhà có nguồn vào nguồn ra, cuộc sống cũng đỡ vất vả”, anh Gõ chia sẻ.
Lân la trò chuyện với ông Trịnh Văn Sơn, ở thôn 7 Bắc, xã Mỹ Thắng, đang giăng lưới trên bàu, mới biết nghề “làm bàu” cũng lắm gian nan. Ông Sơn chia sẻ: “Sức khỏe yếu nên tôi chỉ giăng lưới chứ không làm được nhiều. Làm nghề này có thu nhập nhưng cũng khổ lắm! Vào mùa bão lũ, nước về, sóng gió liên tục, có khi gió mạnh chỉ ngồi ghìm sõng đã đuối rồi. Có hôm chống gãy cả sào, mặc cho gió đẩy ghe đi, khi hết gió mới mượn sào chống ghe về”.
Sóng gió là vậy, nhưng vì mưu sinh hằng ngày nên ít người bỏ nghề. Tính riêng hai thôn 7 Nam và 7 Bắc của xã Mỹ Thắng có khoảng 250 hộ dân thì hết 2/3 làm nghề đánh bắt trên bàu Thanh Thủy. Họ tranh thủ chiều muộn và sáng sớm ra bàu, sau đó mới đi làm công việc đồng áng. Nói như ông Phạm Văn Ái, Bí thư Chi bộ thôn 7 Nam: “Bao đời nay, bà con sống chủ yếu nhờ cái bàu này. Mùa nước lên, cá, tôm tràn về đủ để bà con mưu sinh cho cả năm. Ở đây, đánh bắt đa phần là đàn ông lớn tuổi, khi họ không còn sức đi biển hoặc đi làm ăn xa; cánh chị em và nhiều cháu nhỏ cũng tham gia vào công việc này”.
Bàu Thanh Thủy có nguồn thủy sản phong phú, nhiều nhất là cá rô phi.
Vĩ thanh
Không quá dư dả, nhưng cuộc mưu sinh trên bàu Thanh Thủy cũng đem lại cuộc sống no đủ cho người dân quanh vùng. Ngày qua ngày, cuộc sống của người dân gắn bó với những tấm lưới, cái dẹp, lưỡi câu. Trên đường mưu sinh, họ cũng gặp không ít gian nan. Từ năm ngoái đến nay, cả miền Trung gặp hạn, người dân khó khăn trong công việc đồng áng. Khi cơn hạn vẫn vắt sang năm mới, những khoảnh đất ven bờ phải bị bỏ hoang, bởi nông dân không thể sạ lúa trên đất khô vốn chỉ nhờ vào nước trời.
Nhưng bù lại, nguồn cá tôm trên bàu vẫn đủ để bà con mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Dễ, ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng, tâm sự: “Lúc mùa mưa đã qua mà không thấy mưa đâu hết, bà con lo cháy ruột, không ai dám sạ, sợ lỡ trời mưa muộn thì mất giống. Bù lại, bàu nhiều cá tràu, người dân lại trúng mùa cá nên ai nấy cũng thấy đỡ vất vả phần nào”.
Những ngày này, nước trên bàu Thanh Thủy đã bắt đầu cạn dần. Mùa cao điểm đánh bắt cá, tôm đã khởi động. Và, người dân sống quanh bàu Thanh Thủy vẫn đang “khát” những cơn mưa, để vụ mùa được trôi chảy, cá tôm càng sinh sôi nảy nở, bà con có cuộc sống đủ đầy.
ĐÌNH PHÙNG