Phù Cát: Chủ động phòng chống lụt bão
Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Phù Cát đang khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ năm nay, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Phù Cát có địa hình khá phức tạp, gồm vùng đồi núi trung du và vùng ven biển, mỗi khi mùa mưa bão đến, vừa có lũ quét gây sạt lở núi, vừa có triều cường, vừa có cả lũ ống. Theo báo cáo của UBND huyện Phù Cát, toàn huyện có 938 hộ gồm 5.200 nhân khẩu ở các xã: Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Tài, Cát Minh, Cát Tiến… nằm trong vùng nguy hiểm, phải được di dời đến nơi an toàn trước khi bão lũ đến.
“Phù Cát có địa hình khá phức tạp, gồm vùng đồi núi trung du và vùng ven biển, mỗi khi mùa mưa bão đến, vừa có lũ quét gây sạt lở núi, vừa có triều cường, vừa có cả lũ ống”
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có trên 32 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ đập xung yếu nhưng đã bị xuống cấp, dễ xảy ra sự cố khi có mưa bão lớn, đó là hồ chứa nước Cửa Khâu - xã Cát Tường; hồ Thạch Bàn - Cát Sơn; hồ Hóc Sanh, hồ A Tân Lệ- Cát Tân và đập dâng Đức Phổ - Cát Minh... Riêng hồ chứa nước Hội Sơn - xã Cát Sơn, có dung tích khá lớn, nên công tác bảo vệ an toàn được chính quyền địa phương hết sức quan tâm.
Trên cơ sở xác định những vùng trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, huyện Phù Cát xây dựng phương án và có kế hoạch di dời, bảo vệ nhân dân ở vùng ngập sâu, vùng bãi sông, ven biển và các vùng bị sạt lở nguy hiểm. Đặc biệt là vùng hạ lưu sông Côn ở các xã: Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến; vùng hạ lưu sông La Tinh thuộc xã Cát Tài, Cát Minh; vùng bị biển xâm thực như Trung Lương - xã Cát Tiến; Đề Gi - xã Cát Khánh và vùng bị sạt lở đất ở khu vực núi Gành - Cát Minh. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuẩn bị đầy đủ số lượng vật tư, phương tiện, lực lượng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) đảm bảo huy động kịp thời khi xảy ra sự cố.
Ban chỉ huy PCLB- TKCN huyện đã xây dựng phương án PCLB với những nội dung sát thực, bám sát phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời cảnh báo, thông báo diễn biến tình hình thời tiết để người dân có kế hoạch phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Các lực lượng công an, quân đội cũng đã xây dựng phương án PCLB của đơn vị một cách cụ thể, sát thực; phân công lực lượng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện công tác PCLB. Các lực lượng cơ động ứng cứu tại các địa bàn xung yếu cũng đã được thành lập với số lượng mỗi tổ từ 20 đến 30 người, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện, công an huyện, đoàn viên thanh niên và dân quân tự vệ các địa phương.
Ông Lương Ngọc Anh- Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban PCLB-TKCN huyện Phù Cát - cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung di chuyển dân vùng thường bị ngập lũ, triều cường uy hiếp, lên vùng an toàn trước khi bão đến. Các xã, thị trấn có nhiệm vụ bảo vệ và ứng cứu kịp thời tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... Đối với 5 xã ven biển trên địa bàn huyện, mỗi xã huy động từ 3-5 tàu thuyền sẵn sàng ứng cứu nhân dân, phòng khi triều cường đột ngột...
THẾ HÀ