Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự ASEM 10
Ngày 16.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Milan (Italia) tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14 và cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN-EU.
Ứng phó với thách thức toàn cầu
Tham dự ASEM 10 có lãnh đạo cấp cao của 53 đối tác thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Tại lễ kết nạp Croatia và Kazakhstan, các nhà lãnh đạo đã nồng nhiệt chúc mừng hai thành viên mới chính thức gia nhập đại gia đình ASEM và khẳng định sức hấp dẫn và sự phát triển năng động của diễn đàn này. Hội nghị đánh giá kinh tế thế giới đang dần phục hồi, tuy nhiên còn thiếu bền vững, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó kinh tế châu Á tiếp tục là động lực của tăng trưởng toàn cầu và cải cách cơ cấu ở châu Âu đang tạo cơ sở để tăng trưởng mạnh hơn về trung hạn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chỉ trong hơn một thập niên đầu thế kỷ 21, nhân loại phải ứng phó với nhiều thách thức toàn cầu gay gắt, phức tạp hơn bao giờ hết. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng nhất trong hơn 100 năm qua, thảm họa kép động đất sóng thần ở Nhật Bản, rồi mới đây là siêu bão Haiyan tàn phá đất nước Philippines và nay là Ebola tại châu Phi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất để phối hợp hành động đóng góp vào những nỗ lực chung toàn cầu, ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó con người phải là mục tiêu và là trung tâm.
Tăng vai trò gắn kết của doanh nghiệp
Chiều 16.10, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Milan, đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà Italia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản… đã tham dự.
Chủ đề của diễn đàn là “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á - Âu” với sự tham dự của khoảng 800 đại diện của các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục. Các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh nhu cầu gia tăng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong gắn kết hai châu lục trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhà lãnh đạo đề nghị các doanh nghiệp cần đồng hành với chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư; bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, nguồn nước, an ninh năng lượng, phát triển công nghệ xanh, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên. Các nhà lãnh đạo đặc biệt đề nghị các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục.
Việt Nam là mắt xích quan trọng của mạng lưới ASEM
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Hầu hết các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam là các thành viên ASEM. Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM.
AEBF lần thứ 14, diễn ra trong hai ngày 15 và 16-10, cùng với Diễn đàn Nghị viện Á - Âu (ngày 6 đến 8-10) và Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (ngày 10 đến 12-10) là những hoạt động hướng tới ASEM 10. Về phía Việt Nam có sự tham dự của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam
Tại cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN-EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-EU, đã đồng chủ trì cuộc gặp cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Các bên đã trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông, Trung Đông và Bắc Phi, cuộc chiến chống khủng bố… Về tình hình biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải tại biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế.
Về kinh tế, hai bên nhất trí sớm nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU sau năm 2015; gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. EU tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là trong những lĩnh vực mà ASEAN ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực bộ máy điều hành.
Cuộc họp đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam kể từ năm 2012 đến nay, đặc biệt việc Việt Nam tham gia điều hành và đồng chủ trì công tác chuẩn bị để cuộc họp lần này thành công tốt đẹp.
* Nhân dịp tham dự ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai thủ tướng đã trao đổi cách thức để giúp quan hệ hai nước ngày càng gắn bó sâu sắc. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc cung cấp ODA ở mức cao. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác kinh tế quan trọng, trong đó có Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng ngày cũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quý trọng giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, đồng thời kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Việt Nam kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Tại thủ đô Berlin của Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi những vấn đề thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu ở Viện Koerber.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới. Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới.
Theo Như Quỳnh (SGGP)