23 lao động Việt Nam nằm trong vùng dịch bệnh Ebola
Hiện, có 23 lao động Việt Nam đang làm việc tại Cộng hòa Congo – quốc gia vừa được Tổ chức Y tế thế giới bổ sung vào vùng dịch Ebola.
Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang lây lan, đe dọa tính mạng người dân nhiều quốc gia, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dõi sát tình hình, có biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động. Phóng viên đã phỏng vấn ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
P.V: Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang lây lan nhanh tại nhiều quốc gia, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có động thái gì để bảo vệ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Ngay từ khi có thông tin cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế Việt Nam về sự lây lan của dịch bệnh Ebola, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tiến hành rà soát tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở những nước thuộc Châu Phi, nhất là ở những nước trong vùng dịch mà Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1392, ngày 9/8, chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Ebola thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có công văn, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang các nước trong vùng dịch cũng như những nước có nguy cơ gần vùng dịch. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp rà soát kỹ tình hình lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở những quốc gia trong vùng dịch bệnh Ebola.
Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải thông tin, tuyên truyền cho người lao động công tác phòng ngừa. Trong trường hợp người lao động có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus Ebola phải thông báo ngay cho các công ty sử dụng lao động cũng như cơ quan đại diện ngoại giao ở Việt Nam ở nước sở tại và cơ quan y tế gần nhất để có biện pháp điều trị, cách ly.
P.V: Đối với những lao động đang làm việc ở nước ngoài muốn về Việt Nam do e ngại tình hình Ebola thì cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước có cách nào để giúp đỡ họ không, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Thực tế, trong hầu hết các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa người lao động và người sử dụng lao động đều có một điều khoản: Trong trường bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh mà người lao động phải di tản về nước thì lúc đó người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đưa lao động về nước.
Tuy nhiên, qua rà soát của chúng tôi thì hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chưa có trong vùng dịch. Vì vậy, nếu như lao động Việt Nam vì lo sự dịch bệnh, yêu cầu phải về nước thì đó là nguyện vọng cá nhân của người lao động.
Nếu trong trường hợp người lao động làm việc ở nước ngoài do lo sợ sự lây lan của dịch bệnh Ebola có nguyện vọng muốn về nước thì có thể liên hệ với người sử dụng lao động, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những nước có Ban quản lý lao động Việt Nam để đề xuất kiến nghị của mình, lúc đó cơ quan đại diện và doanh nghiệp đưa đi sẽ phối hợp để xử lý.
P.V: Trường hợp lao động tiếp tục ở lại làm việc tại nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp cũng như tiếp tục phối hợp với cơ quan nước sở tại để bảo vệ người lao động như thế nào?
Ông Tống Hải Nam: Hiện nay theo số liệu thống kê mà chúng tôi vừa mới tổng hợp lại sau khi Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế mở rộng vùng dịch từ 4 quốc gia lên 6 quốc gia Tây Phi thì có 23 lao động Việt Nam làm việc tại Cộng hòa Congo – một nước vừa được Tổ chức Y tế thế giới bổ sung vào vùng dịch.
Việc này chúng tôi đang chỉ đạo doanh nghiệp phải liên hệ ngay với người lao động cũng như người sử dụng lao động để nắm kỹ tình hình và có những khuyến cáo cụ thể hơn đối với người lao động. Trong trường hợp người lao động có nhu cầu về nước thì phải tổ chức cho lao động về nước.
Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài để có để theo dõi sát tình hình dịch bệnh; cập nhật đầy đủ tình hình lao động do doanh nghiệp mình đưa đi, báo cáo kịp thời về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như Cục Quản lý lao động ngoài nước để nhận được sự chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền với người lao động về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống để người lao động nắm bắt kịp thời, yên tâm tiếp tục làm việc ở nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Hà Nam (VOV)