Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân:
Địa chỉ tin cậy để học nghề nông
Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (TTDN-HTND) thuộc Hội Nông dân (HND) tỉnh đã phối hợp với HND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông, chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân phát triển kinh tế có hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.
Theo ông Quách Hồng Dục, Phó Chủ tịch HND tỉnh, Giám đốc TTDN-HTND, hiện Trung tâm đủ điều kiện đào tạo các nghề ở trình độ sơ cấp, gồm: Chọn và nhân giống cây ăn quả; trồng và chăm sóc vườn cây cảnh; trồng và nhân giống nấm; quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh (PTB) cho gia súc, gia cầm; quản lý và sửa chữa lưới điện nông thôn; kỹ thuật trồng rau an toàn...
Từ chiến lược đào tạo nghề đến năm 2020, Trung tâm đã xây dựng các nội dung đào tạo nghề phù hợp thực tế của từng địa phương, nhất là biên soạn giáo trình, giáo án, thiết kế nội dung, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân; tuyển chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm chuyển tải những kiến thức mới, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với yêu cầu của từng lớp học, giúp học viên gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, áp dụng kiến thức vào sản xuất sau học nghề một cách thuần thục.
Năm 2014, Trung tâm được Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN-PTNT) phân bổ 315 chỉ tiêu đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. 9 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tổ chức đào tạo 9 lớp với 315 học viên (3 lớp nuôi và PTB cho trâu, bò; 1 lớp quản lý dịch hại tổng hợp; 1 lớp trồng và nhân giống nấm; 4 lớp nuôi và PTB cho gia cầm) tại các xã Phước Hưng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Nhơn Lộc, Nhơn An, Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn), Cát Trinh, Cát Tân (huyện Phù Cát), Tây Vinh (huyện Tây Sơn) và Phước Mỹ (TP Quy Nhơn).
Tại lớp học nghề nuôi và PTB cho trâu, bò do TTDN-HTND phối hợp với HND và UBND xã Nhơn Lộc tổ chức, có 35 học viên nông dân tham gia. Chị Nguyễn Thị Dung, sau khi nhận chứng chỉ học nghề nuôi và PTB cho gia súc, bộc bạch: “Gia đình tui nuôi bò lâu rồi, nhưng không biết nuôi bò vỗ béo, khi bò bị bệnh chỉ biết kêu thú y chữa trị nên kết quả mang lại không cao. Qua học nghề, nắm khá vững kỹ thuật và áp dụng ngay trên đàn bò nhà mình, thấy hiệu quả rõ rệt”.
Ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Trong xây dựng nông thôn mới, xã sử dụng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 600 hộ vay trên 12 tỉ đồng nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản, thời gian vay 12 tháng, xã hỗ trợ lãi suất 480 triệu đồng, đã nâng được chất và lượng đàn bò; hiện toàn xã có đàn bò 3.658 con. Riêng năm 2014, xã chi 270 triệu đồng hỗ trợ lãi suất cho 450 hộ vay 9 tỉ đồng mua 450 con bò nuôi vỗ béo, góp phần xây dựng thương hiệu bò thịt Nhơn Lộc. Xã cũng đã thành lập 4 nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt, có 110 hộ tham gia, được Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh tài trợ 200 triệu đồng/nhóm. Địa phương rất hoan nghênh TTDN-HTND tỉnh đã tổ chức dạy nghề nuôi và PTB cho trâu, bò; đề nghị mở nhiều lớp dạy nghề nữa để bà con tiếp cận, áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả hơn”.
Được Trung ương HND phân bổ 140 chỉ tiêu đào tạo nghề (cũng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm năm 2014), Trung tâm vừa mở 2 lớp sơ cấp nghề nuôi và PTB cho heo, trâu, bò tại xã Phước Lộc (Tuy Phước), xã Nhơn Hậu (An Nhơn), 1 lớp trồng và nhân giống nấm tại xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) và 1 lớp kỹ thuật trồng đậu nành, đậu phụng tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) thu hút 140 học viên tham gia.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc TTDN-HTND, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong tuyển sinh; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác dạy nghề, việc chọn nghề đào tạo, sắp xếp lịch, thời gian mở lớp chưa phù hợp nên tỉ lệ lao động nông thôn được qua đào tạo nghề còn thấp so với yêu cầu; người học nghề không được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, đôi khi chưa tự tin khi học nghề.
Được biết, HND tỉnh và TTDN-HTND đã xây dựng và ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân đến năm 2018”. Theo đó, từ năm 2015 - 2018 sẽ đào tạo nghề cho 420 nông dân/năm và phối hợp tổ chức khoảng 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT/năm, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề truyền thống để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
XUÂN THỨC