Hậu được hưởng trợ cấp xã bãi ngang do hiểu nhầm văn bản:
Chi lai rai, thu hồi... “một cục”(!)
Về các xã bãi ngang của huyện Phù Cát những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí có phần ảm đạm tại các trường tiểu học, THCS, UBND xã; khi giáo viên, cán bộ xã nghe thông tin mình phải trả lại “một cục” khoản tiền hỗ trợ nhận được hàng tháng từ năm 2011 đến năm 2013.
Bởi, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã ban hành quyết định xử lý, yêu cầu UBND Phù Cát nghiêm túc kiểm điểm và phải thu hồi số tiền gần 6,4 tỉ đồng đã chi sai do hiểu nhầm văn bản quy định các đối tượng được hưởng trợ cấp xã bãi ngang.
Hiệu trưởng Phạm Văn Ba (ngồi giữa) làm việc với các phóng viên về tình hình thu hồi khoản hỗ trợ cho giáo viên trong trường.
Chi lai rai, thu hồi... “một cục”
Cầm trên tay sổ thống kê danh sách giáo viên phải hoàn lại đầy đủ số tiền đã nhận sai quy định, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Minh Phạm Văn Ba không khỏi phiền lòng: “71 giáo viên bị truy thu khoản hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ bản, tương ứng với số tiền 7,3 triệu đồng/người. Ở quê, số tiền này đã không nhỏ, vậy mà so với khoản tiền giáo viên hợp đồng phải nộp lại chẳng thấm vào đâu; 7 giáo viên hợp đồng của trường phải trả lại tổng cộng 110 triệu, người ít nhất 16 triệu, nhiều nhất 41 triệu đồng”.
Cũng từ 2 tháng nay, toàn trường thống nhất trừ lương 2 triệu đồng/người/tháng để thu hồi dần, duy chỉ có một nhân viên hợp đồng thiết bị là không bị trừ. “Anh này bị thu hồi 16 triệu đồng, trong khi lương chỉ có 1,9 triệu đồng/tháng. Nếu bị trừ nữa thì chẳng còn tiền đổ xăng, nói gì đến ăn uống”- thầy Ba giải thích.
Tổng số tiền phụ cấp, trợ cấp chi sai của Trường THCS Cát Minh trên 636 triệu đồng, đứng đầu danh sách 16 đơn vị phải thu hồi các khoản chi sai của Phù Cát. Tiếp đến là Trường Tiểu học số 2 Cát Minh (gần 579 triệu đồng), Trường THCS Cát Khánh (gần 573 triệu đồng), Trường Tiểu học số 1 Cát Khánh (524 triệu), Trường THCS Cát Tiến (500 triệu đồng)…
Những giáo viên hợp đồng lương thấp khấp khởi mừng nhận hỗ trợ hàng tháng trong 3 năm qua, nay đứng ngồi không yên với khoản tiền đã được cộng dồn kết sổ, chờ thu hồi nay mai.
Ông Đặng Hữu Lộc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát:
Anh em cán bộ, giáo viên nhất trí trả lại tiền hỗ trợ nhưng muốn được giãn thời gian trả, vì có những giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng lương thấp, khó kiếm đâu ra một lúc mấy chục triệu đồng để trả ngay được. Mới đây, tôi đã nhận được đơn kiến nghị của tập thể giáo viên Trường Tiểu học số 2 Cát Minh xin kéo dài thời gian trả tiền đã nhận hỗ trợ.
Nhắc đến khoản hỗ trợ 65 triệu đồng, một giáo viên hợp đồng (đề nghị giấu tên) ở Trường Tiểu học số 2 Cát Minh, thảng thốt: “Giờ tiền đâu mà trả ngay trong hạn một tháng hả trời? Tiền hỗ trợ nhận hàng tháng chủ yếu mua sắm, chi tiêu ăn uống thêm trong gia đình; lớp chi phí cho con nhỏ, sửa sang nhà cửa chút đỉnh là hết veo. Muốn trả là trả liền được sao?”. Sau gần chục năm dạy hợp đồng chưa vào được biên chế, chị vẫn đang nhận mức lương khởi điểm bậc đại học. Chị ứa nước mắt: “Chỉ mong thông tin phải trả lại tiền chỉ là tin đồn, chứ biết chạy vạy ở đâu khoản tiền lớn như vậy mà trả trong một lúc”.
Bàn đến phương án trả “nợ” hậu hỗ trợ, cô Ngô Đình Huyền Trân, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Cát Khánh, đưa ngay thẻ ATM nhận lương: “Thẻ tôi được thấu chi 30 triệu, đúng bằng khoản tiền nhận hỗ trợ trong 3 năm qua. Giờ đòi thu hồi một cục liền như vậy thì chỉ có nước vay ngân hàng trả nợ thôi. Tôi chỉ băn khoăn một điều là trước cho ăn góp, mà sao giờ lại buộc trả ngay. Lỗi này đâu phải do giáo viên chúng tôi gây ra”. Hoàn cảnh cô Trân hiện khá éo le, một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ bằng suất lương của mình.
Lỗi do văn bản hướng dẫn không cụ thể (?)
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh về quá trình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn (gọi tắt là Nghị định 116) giai đoạn 2011-2013 tại huyện Phù Cát, do xác định sai đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu theo Nghị định số 116, nên Phòng GD& ĐT huyện Phù Cát, UBND các xã và các trường thuộc các xã bãi ngang đã chi tiền hỗ trợ sai đối tượng.
Ông Đặng Hữu Lộc, Trưởng phòng GD & ĐT huyện Phù Cát cho rằng, vì Thông tư số 08/2011 của liên Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 quy định không rõ về đối tượng áp dụng nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc. “Nếu Thông tư 08 chỉ cần nêu đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người làm theo chế độ hợp đồng… rồi mở ngoặc đóng ngoặc ( ) theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000 của Chính phủ (bao gồm lái xe, bảo vệ, bảo trì, sữa chữa… -PV) thì chắc chắc sẽ không có việc chi sai như thế này”, ông Lộc nói.
Thầy giáo Phạm Văn Hưng, Trường THCS Cát Minh:
Tôi phải trả lại số tiền đã nhận hỗ trợ 41 triệu đồng, cao nhất trường. Thời gian nhận hỗ trợ, tôi chưa có vợ nên tiền nhận được cứ chạy đi đâu hết cả. Năm 2012 tôi lấy vợ, năm 2013 sinh con thì cháu bị vàng da bẩm sinh nặng hết ẵm vào nằm trong BVĐK tỉnh lại chạy đi TP Hồ Chí Minh, tốn kém trên 20 triệu đồng. Buộc phải trả lại tiền thì trả, nhưng trả một lúc thì không thể không khó khăn...
Kết quả thanh tra trực tiếp tại huyện Phù Mỹ cũng sai tương tự như ở Phù Cát với tổng số tiền chi sai trên 5,464 tỉ đồng; nhưng đến nay huyện này đã thu hồi đủ số tiền chi sai trợ cấp lần đầu cho cán bộ, viên chức, giáo viên… trên 4,95 tỉ đồng. Và theo thông tin chúng tôi có được, dù chưa có kết luận thanh tra chính thức, nhưng ở các xã bãi ngang thuộc huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn cũng chi sai tương tự với tổng số tiền chi sai khoảng 4 tỉ đồng.
Như vậy, có thể nói rằng, chính văn bản mập mờ, không rõ ràng, cụ thể và hiểu đằng nào cũng được từ trên ban hành xuống là nguồn cơn dẫn đến việc “cho ăn góp nhưng đòi thu hồi một cục” như hiện nay. Mới đây, khi trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho biết, huyện nào trong tỉnh có xã bãi ngang cũng bị tình trạng tương tự vì hiểu nhầm văn bản chứ không phải cố ý làm trái quy định, trong khi văn bản triển khai lại không hướng dẫn cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi, những người trực tiếp thụ hưởng chính sách, nói rằng tuy không phải lỗi của họ nhưng giờ “trên” đòi thu lại tiền hỗ trợ, họ sẽ trả lại. Tuy nhiên, họ mong muốn được trả dần, hay chí ít cũng gia hạn được vài tháng.
Và trong khi thu thập tư liệu viết bài, chúng tôi nghe được một số câu chuyện ngoài lề… cười ra nước mắt. Như giáo viên một xã bãi ngang nọ, sau khi nghe kết luận thanh tra buộc phải trả lại trên 30 triệu đồng, đã chỉ ngay vào chiếc xe Air Blade đã mua bằng tiền hỗ trợ: “Thôi, mấy anh dắt con xe này về luôn cho rồi”. Hay, nhân viên hợp đồng thiết bị ở một trường tiểu học có lương 2 triệu đồng/tháng, dự định cưới vợ trong năm nay, giờ đành hoãn cưới để kiếm tiền trả cho đủ số tiền nhận hỗ trợ 43 triệu đồng trong mấy năm qua. Cũng có một số trường hợp giáo viên hợp đồng đã tính đến chuyện xin nghỉ việc nếu phải trả lại một lúc số tiền quá lớn so với khả năng của họ.
THU HÀ
Ở huyện Hoài Nhơn vừa rồi có công văn tri thu tiền phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng kể cả các giáo viên được huyện kí hợp đồng vẫn bị tri thu tiền phụ cấp đứng lớp. Không biết mấy huyện khác có như vậy không? Có GV hợp đồng đã 5-6 năm thì số tiền khoản 30-40 triệu thì tiền đâu có trả. Tiền lương hàng tháng thì tầm hơn khoản 2 triệu đồng không đủ chế xăng uống nước chi tiêu trong gia đình. Mong các cơ quan có thẩm quyền làm rõ ràng việc này ai chi sai thì phải chiệu trách nhiệm. Mong các cơ quan điều tra làm rõ minh bạch những trường hợp giáo viên nào được hưởng phụ cấp. (Giáo viên hợp đồng vẫn lên lớp giảng dạy làm việc giống như bao giáo viên bình thường thì tại sao không được hưởng phụ cấp?)
Lâu lắm rồi giờ đọc lại bài báo vẫn còn cảm thấy bất công chồng lên bất công của xã hội,mang thân là gv hợp đồng đành phải ngậm ngùi...nếu k chấp nhận thì làm được gì.Vẫn giảng dạy,sổ sách lên lớp bằng tất cả cho ngành giáo dục nước nhà đổi lại ai được biên chế thì coi trọng trợ cấp quan tâm hết mức còn gv hợp đồng giống như nô lệ bị đàn áp.Buồn thay cho thân phận hợp đồng, đã lương thấp mà còn phải mang nợ vì trả lại.Nợ k biết bao giờ mới hết.Đúng nhà nước làm cho khốn khó thêm.
Xem lại bài báo mà thấy người khó chịu. Huyện Phù Cát còn cho trừ dần lương chứ huyện Tuy Phước thì chẳng được như thế đâu. Giải quyết nhanh, gọn lắm. Phòng GD-ĐT Tuy Phước phối hợp với Ngân hàng Agribank Tuy Phước cho Giáo viên, nhân viên vay để trả. Chi lai rai để rồi giờ thông báo thu một cục, nếu vay thì phải gánh thêm 1 khoản lãi không hề ít. Với một người lương chỉ 2tr, không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, nếu vay ngân hàng trả, thì phải xoay sở rất khó để sau này vừa phải trả gốc vừa trả lãi mà phải chi tiêu hàng ngày nữa. Nhưng ai cũng phải vay vì tình thế phải như thế.Thiết nghĩ, đây là tiền trợ cấp xã bãi ngang cho cán bộ giáo viên, thì phải là chung hết, không lẽ cán bộ giáo viên hợp đồng thì không phải dạy, không phải làm việc, không phải đóng góp gì chắc. Nhưng đã chi sai thì phải giải quyết sao cho hợp lẽ, hợp tình chứ giải quyết thế này thì "ép người" quá.
Ông Lê Hữu Lộc cho biết : “Hầu hết các địa phương ở Bình Định có xã bãi ngang đều mắc sai phạm tương tự. Nguyên nhân do hiểu nhầm văn bản chứ không cố ý làm trái quy định. Cùng với xử lý sự việc trên, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu ngành GD-ĐT, chính quyền các địa phương chấn chỉnh ngay tình trạng này để không tái diễn sai phạm; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể hơn”. Bác Lộc nói rất đúng ai biết sai mà lại dám làm thì xử lý nghiêm minh còn đây là không cố ý trái quy định. Vậy ngay những GV nhận trợ cấp đó họ cũng chẳng mong nhận những đồng tiền trợ cấp để rồi phải lâm vào cảnh cùng này. Người GV phải trả lại tiền họ cũng không cố ý, mà là những người vô tội vạ, xin Bác Lộc xem xét cho họ có thể trả dần chứ một tháng hay hai tháng cũng chẳng giúp gì cho họ. Bởi cuộc sống mỗi người một hoàn cảnh. Là người đứng đầu một tỉnh của nước nhà mong Bác hãy thương nhân viên như con mà tạo điều kiện cho họ.Chúc Bác Lộc sức khỏe!
Khi nghe được việc thu hồi tiền trợ cấp, tôi chỉ biết khóc chứ biết lấy đâu, tìm đâu ra với số tiền lớn như vậy để nộp. Là GV hợp đồng gần chục năm trong ngành với mức hợp đồng thấp ít ỏi, làm việc với nghề, với những đứa học trò nhỏ lâu nên quen với nghề, cố gắng bám nghề hi vọng nghề không bạc đãi mình. Nhưng hi vọng nho nhỏ được nhà nước quan tâm cũng bị cướp mất mà còn để lại bao nỗi đau. Nhìn vào phía trước là nợ nần vì phải chạy tiền trả trợ cấp. Nhìn lại cuộc sống của các GV hợp đồng thâm niên trong ngành thật quá bất công. Tôi hi vọng, mong muốn chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc xem xét giải quyết những GV hợp đồng lâu năm như chúng tôi được xét vào biên chế nhà nước, tuy chúng tôi chưa có công trạng nhưng chúng tôi cũng cống hiến không ít công sức cho ngành giáo dục của tỉnh nhà.
Việc chi sai lỗi là do ai? do đâu mà ra? Bởi những đối tượng trả trợ cấp phần lớn là đối tượng hợp đồng lương đã thấp, không được nâng lương nên lúc nhận được tiền trợ cấp thêm chút ít cũng dùng đồng tiền đó đủ vào việc mưu sinh cuộc sống chứ cũng chẳng sắm sửa hay dùng đồng tiền đó mà tích góp. Nếu nói trả lại họ biết phải xoay sở nơi đâu. Bản thân tôi cũng là một trong số phải trả lại, thật sự mà nói tôi chẳng biết phải tìm đâu ra số tiền lớn như vậy để trả lại. Bản thân không nhà không cửa, không tài sản mà còn nuôi con nhỏ với đồng lương thấp, nhận lương tháng nào chỉ đủ cho tháng đó. Giờ nghe thông tin tôi thật sự lo sợ, không biết cuộc số sẽ đi về đâu, ra sao. Làm việc ở xã khó khăn bãi ngang không trợ cấp đã khó khăn vậy mà nhà nước lại làm cho cuộc sống càng khó khăn hơn. Ai là người có lỗi trong việc này, Ai đã làm cho cuộc sống của bao GV phải lâm vào cảnh khốn khó. Vậy Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phải nghiêm minh xử lý thẳng tay, theo đúng pháp luật, không thể nói kiểm điểm là xong chuyện.
Là giáo viên hợp đồng lao động có thời gian thâm niên trong ngành, hưởng với mức lương thấp nhất ngang hàng với giáo viên mới ra trường, cuộc sống con nhỏ chỉ nhờ vào đồng lương ít ỏi không đủ để chi trải cuộc sống hằng ngày, nếu có việc như đau ốm, rủi ro phải chạy vạy nhờ vả người thân. Được tiền trợ cấp xã bãi ngang cứ tưởng cuộc sống đỡ phần khốn khó. Khi cho thì nhận từ từ nhưng trả thì đòi một cục lấy đâu mà trả. Cuộc sống khó lại chồng lên khó. GV hợp đồng làm việc, tham gia mọi đóng góp như giáo viên biên chế. Vậy mà không nâng lương, không trợ cấp, không được chính sách nhà nước quan tâm lại bỏ ra ngoài như nhứng đứa con "gẻ" của ngành. Một GV mới vào tập sự lại được hưởng trợ cấp của Nhà nước còn GV hợp đồng có thâm niên trong ngành chẳng được quan tâm. Liệu Nghị định 116/2010/NĐ-CP có bất công với những đối tượng hợp đồng hay không???
"chính văn bản mập mờ, không rõ ràng, cụ thể và hiểu đằng nào cũng được từ trên ban hành xuống là nguồn cơn dẫn đến việc “cho ăn góp nhưng đòi thu hồi một cục” như hiện nay." Để có được số tiền trợ cấp xã bãi ngang không hề đơn giản, GV chờ đợi, thấp thỏm ... Được nhận "lai rai" mà nuốt khôn trôi! Đồng tình với ý kiến của bài viết. Để xảy ra vụ hiểu sai và chi sai là do đâu??? Nhận được tiền trợ cấp của nhà nước quá chanh chua mà khi phát hiện "chi sai" là thu hồi như lũ quét. GV đã chật vật trong đời sống vì lương nay lại thêm ... khốn khó!
Việc chi sai này là do lỗi của UBND huyện Phù Cát. Vì khi văn bản đã hướng dẫn và triển khai cụ thể. Mà UBND huyện Phù Cát triển khai có sự lệch lạc nên các trường mới triển khai sai như vậy. Việc Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc ra quyết định xử lý vi phạm bằng cách kiểm điểm đó có xứng đáng cho những người làm sai hay không. Liệu đây có phải là để tham nhũng không. Tôi đề nghị Thanh tra của tỉnh vào cuộc xử lý nghiêm minh. Ai làm sai thì xử lý đúng theo pháp luật, không thể nói là kiểm điểm là xong. Làm sai thì cách chức cho thôi việc. Không làm thì thôi, một khi đã làm thì làm cho sáng tỏ. Ai là người triển khai sai nội dung Thông tư. Trước tiên phải xử lý người đứng đầu huyện Phù Cát.