Giảm nghèo bền vững
Sau nhiều năm thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của nước ta đã đạt được kết quả quan trọng. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2013 cho thấy, tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011), 9,6% (năm 2012) và 7,8% năm 2013. Bình quân tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,2% năm 2013, giảm 5,69%).
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét; mức hỗ trợ của các chính sách còn thấp, chưa đủ mạnh để thúc đẩy hộ vươn lên thoát nghèo; nhiều chính sách hỗ trợ cho không đã làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo của người nghèo... Đây là mặt trái của những chính sách hỗ trợ cho người nghèo theo kiểu… “cho không” với quá nhiều ưu tiên.
Vì vậy, từ năm 2015 Chính phủ sẽ rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo đã và đang thực hiện để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp. Đổi mới quan trọng là chuyển phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020 theo hướng bền vững.
Cụ thể là trên cơ sở áp dụng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ - TB & XH nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo đa chiều, trong đó có xác định chi tiết, cụ thể chuẩn nghèo về thu nhập, về thụ hưởng an sinh xã hội (chăm sóc y tế, học tập, nhà ở)... để có hỗ trợ tương ứng. Bộ LĐ-TB & XH sẽ phối hợp với Bộ KH-ĐT không tiến hành điều tra hộ nghèo hàng năm như đã làm mà thay vào đó sẽ tiến hành điều tra vào đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ của một giai đoạn để họ có thể hưởng các chính sách ổn định trong một thời gian dài hơn. Bên cạnh đó, hạn chế các chính sách cho không, tăng các chính sách cho vay có điều kiện. Đối với hộ đã thoát nghèo, tăng các chính sách như vay tín dụng, hỗ trợ học tập, học nghề...
Với cách tiếp cận khoa học và các phương thức hỗ trợ hiệu quả hơn nhằm phát huy tính tích cực vươn lên của các đối tượng thuộc diện được hưởng các chính sách giảm nghèo, trong thời gian tới công tác giảm nghèo sẽ căn cơ và bền vững hơn.
H.Đ