Thực hiện QĐ 48/2010/QĐ-TTg ở TP Quy Nhơn:
Hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá xa bờ
Chính sách hỗ trợ theo Quyết định (QĐ) số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư kinh phí đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất lớn, phát triển năng lực khai thác, đánh bắt, đồng thời góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hỗ trợ thiết thực
Trong 2 ngày 15 và 16.10.2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP Quy Nhơn đã tổ chức giải ngân kinh phí hỗ trợ nhiên liệu và hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp vệ tinh (GPS) cho các tàu cá của ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển xa đợt 2 - 3 - 4 năm 2014 (đã được UBND tỉnh phê duyệt theo QĐ 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa). Bà con ngư dân rất phấn khởi khi được nhận số tiền hỗ trợ này, giúp họ giảm bớt chi phí sản xuất, tạo động lực bám biển khai thác, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần đắc lực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
Cụ thể, KBNN TP Quy Nhơn đã tổ chức giải ngân kinh phí hỗ trợ nhiên liệu và hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa cho 307 tàu cá của ngư dân tham gia đánh bắt vùng biển xa đợt 2 - 3 - 4 năm 2014, với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng; trong đó hỗ trợ nhiên liệu cho 290 tàu cá với số tiền gần 19,59 tỉ đồng và hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa cho 17 tàu cá, với số tiền 476 triệu đồng.
Theo QĐ 48, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm. Ông Lê Trung, ở khu vực 11, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ 91078-TS, công suất 270 CV, làm nghề lưới vây rút chì thưa, cho biết, tàu cá của ông hoạt động đánh bắt tại vùng biển quần đảo Trường Sa, trên tàu cá có từ 12 - 13 ngư dân. Nhờ sự hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước, nên trong những năm qua, ông giảm bớt được gánh nặng chi phí nhiên liệu và phí tổn; tàu cá của ông thường xuyên bám biển sản xuất mang lại hiệu quả hơn trước. Đây là chuyến biển thứ 4 của năm 2014, ông được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu với số tiền 55 triệu đồng/chuyến biển.
Một ngư dân khác, ông Phạm Nam, cũng ở khu vực 11, phường Đống Đa, chủ tàu cá BĐ 91381-TS, công suất 815 CV, làm nghề lưới vây rút chì thưa, cho biết, tàu cá của ông hoạt động tại vùng biển Trường Sa, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và vùng biển phía Nam, trên tàu cá có từ 15 - 16 ngư dân. Tàu cá của ông Nam được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng/chuyến biển. Lần này ông nhận được hỗ trợ 3 chuyến biển, với số tiền 300 triệu đồng; trước đó ông Nam đã nhận tiền hỗ trợ chuyến biển đầu tiên năm 2014, với số tiền 100 triệu đồng. Theo ông Nam, hiện nay, phí tổn mỗi chuyến tàu cá ra khơi của ông từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, với thời gian hoạt động trên biển từ 20 - 30 ngày. Nếu không nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì tàu cá của bà con ngư dân khó duy trì bám biển vì gặp nhiều khó khăn, như thời tiết biển không thuận lợi, giá nhiên liệu cao, giá bán sản phẩm còn bấp bênh ...
Phát triển nghề cá xa bờ
Theo thống kê của KBNN TP Quy Nhơn, tính từ đầu năm 2014 đến nay, KBNN TP Quy Nhơn đã thực hiện 4 đợt giải ngân kinh phí hỗ trợ nhiên liệu và hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa cho ngư dân theo QĐ 48, có 658 lượt tàu cá của ngư dân thành phố tham gia đánh bắt ở vùng biển xa được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 41,7 tỉ đồng.
Theo Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, trong 9 tháng đầu năm 2014, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân TP Quy Nhơn đã đầu tư kinh phí đóng mới được 1 tàu cá công suất 730 CV; cải hoán, nâng công suất 23 tàu cá từ 110 CV đến 896 CV để phát triển năng lực đánh bắt xa bờ. Hiện nay, chi phí đóng mới và trang bị đầy đủ hệ thống máy, ngư lưới cụ cho mỗi tàu cá có công suất lớn như vậy từ 4 - 5 tỉ đồng; việc cải hoán, nâng công suất giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn đã phối hợp với UBND các phường, xã hướng dẫn các chủ tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên củng cố và thành lập mới các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển nhằm giúp nhau bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất và giúp đỡ nhau khi hoạn nạn trên biển. Hiện trên địa bàn thành phố đã thành lập được 32 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 103 tàu cá tham gia, chủ yếu các tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương, vây rút chì thưa...
PHI HÙNG