Ưu tiên hỗ trợ người nghèo dù kinh tế còn nhiều khó khăn
Cùng với ưu triên bố trí ngân sách, sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ người nghèo tiếp tục vun đắp truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”.
Cân đối ngân sách để tăng cường hỗ trợ
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đóng góp của xã hội, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta đạt được những thành tích quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2013 còn 7,6%.
Về nguồn lực, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn đảm bảo ưu tiên cho các chương trình hỗ trợ người nghèo.
“Chỉ tính riêng cho các chính sách và chương trình giảm nghèo, năm 2014 đã bố trí gần 24.000 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm và cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước ta”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Trước những khó khăn còn rất lớn của người dân, đặc biệt là của hộ nghèo về nhà ở, để tạo sự an cư lạc nghiệp, Chính phủ sẽ quyết tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo qua Chương trình 167, dù sẽ rất khó khăn về cân đối ngân sách.
Cùng với đó, từ ngày 2/10, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề với mức vay là 10 triệu đồng/hộ (tăng so với quy định cũ là năm triệu đồng); lãi suất vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ; thời gian áp dụng lãi suất là ba năm, kể từ thời điểm bắt đầu nhận vốn vay (thực hiện Nghị quyết 30a).
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho biết, 9 tháng năm 2014 Quỹ Vì người nghèo đã tiếp nhận 442 tỷ đồng; các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp ở ác địa phương 1.545 tỷ đồng. Tính từ năm 2000 đến nay, Quỹ vì người nghèo 4 cấp vận động và tiếp nhận được hơn 9.000 tỷ đồng; nguồn lực ủng hộ trực tiếp cho chương trình an sinh xã hội ở các địa phương đạt hơn 25.300 tỷ đồng.
Từ nguồn lực vận động cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 1 triệu căn nhà, cũng như hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, công trình dân sinh, khám chữa bệnh… cho người nghèo.
Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các nguồn lực không chỉ góp phần chăm lo về vật chất mà còn mang lại niềm vui, cơ hội thoát nghèo cho hàng triệu hộ nghèo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Doanh nghiệp khó khăn, mức hỗ trợ giảm
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong những năm qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn và có phần giảm sút.
Cụ thể như Chương trình 30a, mức hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các huyện nghèo 8 tháng năm 2014 đạt khoảng 64 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 1.200 tỷ đồng trong những năm đầu.
“Trước đây có 32 doanh nghiệp hỗ trợ cho các huyện nghèo thì bây giờ còn 11 doanh nghiệp đang duy trì được sự hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ có giảm. Theo đăng ký, đến cuối năm nay đạt khoảng 150 tỷ, giảm rất nhiều so với trước. Chính vì vậy việc thực hiện một số mục tiêu đối với các huyện nghèo cũng bị chậm lại, nhất là hỗ trợ nhà ở, hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông…”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Ngoài ra, theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một số địa phương chưa tích cực vận động nên kết quả ủng hộ còn hạn chế. Việc phối hợp nắm bắt thông tin về thực hiện các Chương trình An sinh xã hội chưa thường xuyên, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với các chương trình An sinh xã hội chưa được phát huy, chưa có cơ chế thực hiện rõ ràng.
Chính vì vậy, dù nhiều chương trình, chính sách cụ thể chăm lo cho người nghèo đã đi vào cuộc sống, giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo còn nhiều khó khăn trong cuộc sống cần tiếp tục được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, tiếp tục vun đắp truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Theo Ngọc Thành (VOV)