Ngồi buồn nhớ chuyện đó, đơm…
Vào những ngày cuối tháng Tám đầu tháng Chín (âm lịch) là thời gian quê tôi bước vào mùa mưa. Lúc này những thửa ruộng đã thu hoạch xong chỉ còn trơ gốc rạ. Những cơn mưa đầu mùa có khi thoáng qua rồi trời quang mây tạnh, nhưng cũng có lúc rỉ rả suốt ngày suốt đêm…
Ngày ấy ở quê tôi An Nhơn, trong những ngày mưa đầu mùa nhà nông đã rảnh rang công việc, nên nghĩ đến chuyện bắt cá, bắt tôm đồng để phụ vào bữa ăn gia đình trong lúc chợ xa, đường sá lầy lội. Thường khi hạt lúa đã vào bồ, rơm rạ đã chất đống xong, nhiều người đi chợ Gò Chàm (Bình Định) để mua dụng cụ bắt cá như dẹp, đó, nơm… nhà mua ít vài ba cái dẹp, người mua nhiều đến năm bảy cái. Phải công nhận cái đó, cái dẹp đơm cá nhiều chợ có bán nhưng phải là đó, dẹp chợ Gò Chàm thì mới vừa đẹp vừa bền. Có đó, dẹp rồi nhà nông chỉ còn chờ mưa đầu mùa (có khi nước lụt) là lúc chiều chiều quẩy dẹp ra đồng để đơm cá lên. Trên những thửa ruộng cao ngập nước gần các con mương, hoặc vùng sâu trũng nhiều cá người ta khơi những cái trổ và đặt dẹp bắt cá bơi theo dòng nước lên ruộng cao để đẻ. Nào cá lóc, cá rô, cá chép, cá diếc…qua một mùa nắng tù túng dưới kênh mương nay gặp nước mát cùng kéo nhau lên đồng…, thế là chui tọt vào dẹp, vào đó…
Buổi sáng sớm trong màn mưa mù mịt nhưng phải đi dở dẹp. Dù trời mưa lành lạnh nhưng lòng bỗng ấm khi những cái dẹp dở lên đầy cá. Những chú cá rô, cá chép… béo tròn giẫy lách tách hứa hẹn những xoong cá kho với mắm cua chua, kho khô, canh chua nấu với khế… Nồi cơm lúa mới với cá đồng kho thấy ấm lòng nhà nông.
Bây giờ, ở quê tôi mùa mưa đến vẫn như xưa nhưng con cá đồng thì không còn nữa, vì đồng ruộng bị phun nhiều thuốc cỏ, thuốc trừ sâu…, chuyện đó, đơm trở thành cổ tích.
TRÚC THANH