Nhạc công Hồ Bòng:
Mê đắm tiếng kèn saxophone
Ở Bình Định, khi nói nhạc công chơi kèn saxophone, người ta sẽ nghĩ ngay đến Hồ Bòng. Với chiếc kèn saxophone, Hồ Bòng là điển hình cho mẫu nghệ sĩ nghiệp dư đến với nghệ thuật bằng năng khiếu bẩm sinh cùng con đường tự học và một tình yêu, ý chí mãnh liệt để vươn đến giấc mơ âm nhạc của mình.
1.
Hồ Bòng sinh ra trong một gia đình nông dân quê ở thôn Nho Lâm, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, trong nhà không ai theo nghiệp đờn ca. Duyên nợ với kèn saxophone đột ngột “quấn” vào đời Hồ Bòng năm anh học lớp 4, từ Phước Hưng đi bộ lên An Nhơn để xem cải lương. Trong chương trình ca nhạc trước khi mở màn diễn cải lương, lần đầu tiên Hồ Bòng được thấy, được nghe kèn saxophone qua trình diễn độc tấu của nghệ sĩ Quỳnh Hoa. “Tôi còn nhớ như in, người nghệ sĩ nam ấy có cái tên rất nữ, đi cùng đoàn cải lương trong Nam về Bình Định biểu diễn, độc tấu hai bài Tiểu đoàn 307 và Đôi mắt mang hình viên đạn. Trẻ con nhà quê, tôi nào biết tên đó là kèn saxophone, chỉ nghĩ thầm trong đầu, tại sao cái… ống bô xe máy lại có thể phát ra những âm thanh dìu dặt, tuyệt vời đến vậy?! Chưa bao giờ tôi thấy một nhạc cụ lạ và hay đến thế, hình bóng cùng giai điệu tiếng kèn cứ lấn quấn mãi trong đầu tôi, nhen lên trong tôi niềm ao ước: Giá mà mình cũng biết chơi và có một “chiếc kèn ống bô” như thế để chơi…”.
Tình cờ, kèn saxophone lại một lần nữa xuất hiện và “ám thị” Hồ Bòng. Chừng 1 năm sau, trong dịp đoàn ca múa nhạc của lực lượng vũ trang tỉnh Nghĩa Bình về Phước Hưng và các xã lân cận biểu diễn, lần thứ 2 Hồ Bòng hội ngộ “cây kèn ống bô”, lúc ấy do anh Bá Sinh, chiến sĩ văn công của đoàn thổi, hòa tấu. Dàn nhạc xuất hiện trên sân khấu với nhiều nhạc cụ, song Hồ Bòng vẫn chỉ bị hút hồn bởi kèn saxophone.
2.
Có lẽ chính niềm mê hoặc tiếng kèn saxophone đã đặt những viên gạch đầu tiên, đánh thức năng khiếu âm nhạc bẩm sinh mà trước đó Hồ Bòng không hề biết, để anh hình thành định hướng cho mình theo nghệ thuật. Năm 1984, đang học cấp 3, hay tin ở Quy Nhơn có cuộc thi tuyển do Học viện âm nhạc Huế tổ chức, Hồ Bòng trốn nhà xuống ứng thí. Trong hơn 200 người dự tuyển, chỉ 5 người đỗ, gồm: Hồ Bòng, hai anh em Lục Lang, Thất Lang - “con nhà nòi” về nhạc ở Quy Nhơn thời bấy giờ và hai người nữa. Đến khi Học viện gửi giấy báo về quê nhà gọi nhập học, gia đình hết sức bất ngờ, vừa khó khăn về kinh tế vừa không muốn cho con theo nghiệp đờn ca, cha Hồ Bòng cấm cản quyết liệt. Đến khi đăng ký thi đại học, thay vì “đi công an” như nguyện vọng của cha, Hồ Bòng lại đăng ký vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Lần này anh trượt nửa điểm. Thi rớt, Hồ Bòng tiếp quản mấy sào ruộng của nhà. Song, bàn tay anh vốn quen phím đàn hơn cầm cày cuốc, lúc bấy giờ anh đã là tay ghi-ta có tiếng ở địa phương. Vậy là, Hồ Bòng cứ đi chơi nhạc đám cưới, hội thi văn nghệ…, lấy “cát-sê” mướn người làm ruộng thay!
3.
Cứ tưởng giấc mơ dang dở, ai ngờ chỉ 1 tuần sau nhập ngũ (lúc này 20 tuổi), năng khiếu đàn, hát của Hồ Bòng được đơn vị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) phát hiện, nâng đỡ. Đích thân anh Nguyễn Bá Sinh, người thổi saxophone mà Hồ Bòng đã gặp năm nào, giới thiệu anh vào công tác trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ tuyên truyền của đơn vị. Hồ Bòng khoác áo lính từ đó, vừa mới nghỉ đầu tháng 9.2014 này. Trước khi giã từ đời “chiến sĩ văn công” để làm một nghệ sĩ tự do, bộ sưu tập giải thưởng, huy chương của Hồ Bòng được bổ sung thêm chiếc HCV tiết mục song tấu saxophone (cùng với Nguyễn Bá Sinh) bài Nơi đảo xa tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang Quân khu V lần thứ XI - năm 2013.
Chuyện trò với Hồ Bòng về âm nhạc, anh như trôi trong dòng hoài niệm gắn với những kỷ niệm sâu đậm về kèn saxophone. Anh bảo, về công tác ở đơn vị, anh chủ yếu đi hát, tham gia múa; kèn saxophone khi ấy vẫn là nhạc cụ không mấy phổ thông, ít người biết chơi, lại càng không ai tổ chức dạy như ghi-ta hay organ. Nhưng quan trọng nhất là Hồ Bòng vẫn chưa một lần thực cầm cây saxophone trên tay. Rồi tình cờ anh biết được có người cần bán 1 cây kèn saxophone tốt với giá 1chỉ rưỡi vàng. “Tân binh” Hồ Bòng về xin tiền cha, cha nghiêm giọng: “Vàng thì nhà cũng có nhưng để dành lo việc hệ trọng cho mầy là cưới vợ, xây nhà, khi không xách đi mua kèn!”. Anh nài nỉ cha, nói cứng: chỉ cần mua được kèn, khỏi cưới vợ!
Giấc mơ thành hiện thực rồi, Hồ Bòng đã thực sự sở hữu được cây kèn saxophone của riêng mình! Không ai dạy, tự Hồ Bòng mày mò thổi. Sẵn dịp đơn vị giao canh gác một kho gỗ ven bờ biển Quy Nhơn, Hồ Bòng càng có không gian riêng tư, yên tĩnh để tự học. Nhạc lý về kèn saxophone như được cài vào đầu Hồ Bòng tự lúc nào. Anh tự mày mò từ những điều rất căn bản, như đặt môi lên kèn đúng cách, cách đặt các ngón tay trên các nốt của kèn và chạy ngón tay để điều chỉnh cho đúng và lưu loát… đến khi “chinh phục” được kèn saxophone, biết thổi, dần học thổi từng bài một, từ bài nhạc này đến bài nhạc khác. Chính anh cũng bất ngờ với bản thân, chỉ 1 tháng sau, Hồ Bòng đã có thể gia nhập một số ban nhạc để đi chơi nhạc, với sở trường mới: Bòng saxo!
4.
Trong giới nhạc công trong tỉnh, Hồ Bòng là cái tên “thương hiệu” và đắt “sô”, nhiều khách hàng sẵn sàng “chi đậm” để có được tiếng kèn Hồ Bòng xuất hiện tại tiệc cưới, chương trình của mình. Thù lao cho dàn nhạc nếu 3 - 4 triệu đồng, phần của Hồ Bòng chiếm phân nửa. Nói như anh, đó là cái “duyên nghề” mà mình may mắn có được.
Các nhạc công thường chơi chung dàn nhạc với Hồ Bòng nhận xét, nếu chơi độc tấu, Hồ Bòng mặc sức phả hồn phiêu diêu hay bung phá, ngẫu hứng, còn khi chơi hòa tấu, tiếng kèn Hồ Bòng rất tinh tế, khiêm nhường, không “ỷ lại” ta chơi hay, chơi giỏi mà lấn át các nhạc cụ khác. Ngay cả khi chơi “nhạc rừng”, cộng tác với rất nhiều ban nhạc khác nhau, không có bảng tổng phổ, phân nhạc, không có thời gian “dợt” trước, người nghệ sĩ này vẫn luôn biết khi nào thì tiếng kèn saxophone lên tiếng…
SAO LY