Dành thời gian cho con: Bao nhiêu là đủ?
Câu trả lời tưởng chừng rất đơn giản, hóa ra lại là không dễ đối với một số người vừa bận rộn công việc cơ quan, gia đình và cũng muốn dành thời gian cho riêng mình.
1.
Một thời gian gặp lại mẹ con tôi, cô giáo tôi quen vốn có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ các trẻ có khiếm khuyết về việc học, nhận xét: “Cháu có vẻ chậm phát triển so với các cháu cùng tuổi”.
Càng săm soi, để ý đến con, tôi thấy hình như con mình quả có hơi bất thường. Kết quả từ hai phòng khám tâm lý uy tín tại TP Hồ Chí Minh đã cho ra cùng một kết luận: “Do cháu xem phim nhiều quá nên có những hành vi giống như các nhân vật trong phim, và chậm là do ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ở đây, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như thế rồi. Thang thuốc duy nhất là hạn chế xem tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh. Bố mẹ tăng cường nói chuyện và chơi với con nhiều hơn nữa, cho con tiếp xúc với môi trường tự nhiên”. Quả thật, mấy năm chồng đi công tác xa, vừa đi làm vừa bận rộn hai con nhỏ, đứa lớn học cấp một, đứa nhỏ học mẫu giáo… tôi đã không dành nhiều thời gian cho con.
2.
Biết “bệnh” của con, tôi đã dành nhiều thời gian cho con hơn: chịu khó dẫn con đi chơi, cho cháu tiếp xúc với mọi người nhiều hơn, lắng nghe và nói chuyện với con nhiều hơn. Sau mấy tháng, con tôi đã nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn và nhận thức xã hội cũng tiến bộ rõ rệt. Và, tôi nhận thấy việc chơi với con thật không dễ. Buổi tối, thay vì ở nhà xem ti vi, lên facebook hoặc làm công việc như trước, giờ vợ chồng tôi thay phiên nhau dắt con đi chơi trong xóm, “giám sát” việc con chơi chung với các bạn như thế nào, phân tích cho con việc nào đúng, việc nào sai.
Đôi lúc, việc lắng nghe con nói, trả lời các câu hỏi không ngừng nghỉ của con đã làm tôi thấy mệt và bị quấy rầy, nhất là khi căng thẳng vì công việc. Nhưng cũng từ đó tôi chợt nhận ra rằng con cần nói chuyện với ba mẹ biết bao nhiêu, chơi với con, hòa mình vào thế giới của con thật khó hơn nhiều so với việc bật ti vi lên cho con xem hoặc đưa điện thoại cho con ngồi chơi một mình cả buổi.
3.
Chị Ngọc P., một cô giáo chuyên nhận dạy tại nhà cho trẻ bị tự kỷ, tăng động ở Quy Nhơn, mà tôi quen trước đây có lần đã cho biết thêm, bên cạnh một số cháu bị tự kỷ thực sự, cũng có trường hợp vì con bị bố mẹ “bỏ bê” trong một thời gian dài, nên có những hành vi bất thường, phát triển lệch lạc... phải nhờ giáo viên tâm lý hướng dẫn, uốn nắn lại.
Chị Hoàng Minh (nhà ở đường Ngô Mây, Quy Nhơn), cũng tâm sự trong thời gian chồng đi học xa nhà, lo điều hành công việc kinh doanh nên chị đã phó mặc việc dạy dỗ đứa con trai út cho người giúp việc. Hậu quả là đến năm gần 3 tuổi, con chị vẫn chưa nói sõi và thích cào cấu các bạn cùng lớp mẫu giáo. Chị đã chủ động gửi con về nhà bà ngoại để cùng sống với hai đứa cháu ngang tuổi con mình, đồng thời tạm giao công việc kinh doanh cho người khác trông nom mà lo cho con. “Nay thì cháu đã vào lớp hai, phát triển về tư duy và thể chất đều tốt, nhưng về mặt nào đó vẫn thua các bạn đồng trang lứa”- chị Mai khoe.
4.
Cuộc sống hiện đại, ngoài bận rộn, căng thẳng vì phải kiếm tiền, cha mẹ cũng có nhu cầu cho bản thân nhiều hơn, từ giao tế trong đời thật, mạng xã hội ảo, đến hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần, quỹ thời gian dành cho con, vì vậy, cũng bị thu hẹp lại. Rồi đến ngay cả con cái cũng thích đắm mình trong thế giới ảo, với bạn bè, hơn là giao tiếp với mẹ cha. Cho đến một ngày, cha mẹ không “giao tiếp” được với con, không hiểu con cái và ngược lại.
Câu hỏi dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ, dường như không có câu trả lời. Mỗi ngày trò chuyện với con, gợi mở để con tâm sự với mình- như một người bạn, đôi khi chỉ cần nửa tiếng là đủ. Ngược lại, ở với con cả ngày nhưng cả cha mẹ và con cái không tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu nhau thì cũng bằng thừa. Cố gắng chơi với con, dành cho con thời gian nhiều hết mức có thể ngay từ lúc con còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, không ép buộc con theo ý mình mà chỉ là sự hướng dẫn, gợi mở để con tự nhận biết và chọn lựa. Cái con cần, đôi khi không phải là vật chất, mà chính sự quan tâm, nâng đỡ về tinh thần đúng lúc của mẹ - cha.
HOÀNG NGÂN