Trị “bệnh hoành tráng”
Gần đây, trên phạm vi cả nước đã có nhiều vụ tham nhũng, lãng phí tài sản công thuộc hàng “khủng” bị phanh phui. Sự thất thoát tiền của của Nhà nước và nhân dân quá lớn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, xem đây là “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hại cho sự phát triển lành mạnh của đất nước. Mới đây Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã chỉ mặt, gọi tên một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là… “bệnh hoành tráng”.
“Bệnh hoành tráng” là cách nói hình ảnh và rất chính xác về việc nhiều đơn vị, địa phương ra sức tìm mọi cách để được phép và cấp vốn xây dựng các công trình, dự án có quy mô rất lớn, tiêu tốn rất nhiều tiền đầu tư từ ngân sách để trục lợi từ các khoản phần trăm được “lại quả” hay từ việc “rút ruột” công trình. Vì vậy, công trình dự án càng “hoành tráng” bao nhiêu thì phần “lại quả”, “rút ruột” cũng… ‘hoành tráng” tương ứng bấy nhiêu. Và đó là căn nguyên gây bệnh(!).
Thường thì trước khi tiến hành thực hiện các chủ đầu tư sẽ đề ra tầm quan trọng và sự cần thiết cấp bách của việc phải đầu tư công trình dự án, kèm theo đó là rất nhiều mục tiêu nhiệm vụ về đủ các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhiều ý nghĩa về chính trị - xã hội cả cấp bách và lâu dài… Thế nhưng, thực tế từ nhiều công trình thuộc dạng “hoành tráng” cho thấy khi khởi đầu thì như thế, nhưng đến khi xây dựng xong rồi thì công trình dự án lại hầu như chẳng phát huy tác dụng được bao nhiêu, cũng chẳng phục vụ gì nhiều cho quốc kế dân sinh. Người ta đã từng biết đến những bảo tàng ngàn tỉ xây xong rồi để đó, chẳng có gì để trưng bày, cũng chẳng mấy ai đến tham quan, thưởng lãm. Hay những khu thể thao xây cũng trăm tỉ, ngàn tỉ phục vụ một vài sự kiện nhất thời rồi… “phơi sương phơi nắng” đến khi hư hại, xuống cấp cũng chẳng ai đoái hoài. Trong khi đó rất nhiều công trình thiết thực phục vụ dân sinh từ trường mẫu giáo, lớp học, trạm xá, trường học…, ở khắp nơi đều rất thiếu thốn nhưng chưa có kinh phí để xây dựng.
Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 1.7.2014, người nào gây ra thiệt hại do tham nhũng, lãng phí phải chịu trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại bên cạnh các chế tài xử lý khác. Đây chính là điểm “nhấn” quan trọng trong chế tài của pháp luật nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản công.
Hy vọng việc thực hiện nghiêm các chế tài theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là phương thuốc đặc hiệu trong việc góp phần trị “bệnh hoành tráng” trong đầu tư công.
HẢI ĐĂNG