Mít tinh Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng
Các đại biểu dâng hương tại phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng trong Khu tưởng niệm
Tham dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM) Nguyễn Đắc Vinh; đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn các thời kỳ; Bí thư Trung ương Đoàn cách mạng Lào; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang; gia đình, dòng họ đồng chí Lý Tự Trọng và gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, thiếu niên nhi đồng.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tấm gương của đồng chí Lý Tự Trọng là ngọn lửa soi đường, là động lực để lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam vững tin đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tiếp nối tinh thần Lý Tự Trọng, tuổi trẻ Việt Nam đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào… Noi gương anh hùng Lý Tự Trọng, mỗi đoàn viên thanh niên cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, bồi đắp lý tưởng sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước; không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh về chính trị, về tổ chức và về hành động, kiên định với lý tưởng của Đảng, tăng cường sức mạnh của tổ chức, không ngừng mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết nhấn mạnh, cuộc đời, tấm gương hy sinh của anh hùng Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng bất diệt, cội nguồn sức mạnh, trở thành tấm gương cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo trong suốt chiều dài lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của thanh niên vô cùng quan trọng, thanh niên là nhân tố trung tâm trong chiến lược phát triển về con người của Đảng.
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục quán triệt tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên. Triển khai phong trào hành động cách mạng tuổi trẻ; Thường xuyên đổi mới nội dung, xây dựng tổ chức đoàn, hội, đội trong sạch, vững mạnh; Phát huy vai trò nòng cốt của tuổi trẻ; Triển khai hiệu quả các phong trào thanh niên, động viên, định hướng cho thanh niên trong các hoạt động, phát huy vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới... Phát huy truyền thống, tinh thần Lý Tự Trọng và các thế hệ cha anh đi trước, Đảng và Nhà nước luôn mong muốn tuổi trẻ hôm nay giương cao ngọn cờ cách mạng, vững tin bước tiếp để làm rạng rỡ giống nòi ta, dân tộc ta…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã chung sức, đồng lòng, đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cùng với các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn và hơn 40 vạn đoàn viên, thanh niên Hà Tĩnh tiếp bước cha anh, noi gương anh Lý Tự Trọng thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều phong trào, chương trình hành động thiết thực như: “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình kinh tế, tham gia tình nguyện; xóa đói giảm nghèo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động nhân dân di dời tái định cư; giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án...
Sáng cùng ngày, tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), Tỉnh đoàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 và khai trương phòng truyền thống Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng.
Tại lễ khánh thành, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Lý Tự Trọng.
* Trước đó, tối 18.10, tại Khu Tưởng niệm Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tuyên dương các công trình và thanh niên tiêu biểu trong phong trào thi đua Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Lý Tự Trọng.
Trong đợt tuyên dương lần này có 32 gương Đoàn viên thanh niên điển hình và 16 công trình thanh niên tiêu biểu. Trong lĩnh vực học tập có Võ Anh Đức - “chàng trai vàng” Toán học Việt Nam, giành Huy chương Vàng Toán quốc tế lần thứ 54 được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn tặng bằng khen…
Trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới có mô hình HTX thanh niên chăn nuôi lợn liên kết ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên với tổng đầu tư gần 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động…
Phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được các cấp bộ Đoàn quan tâm đẩy mạnh với nhiều việc làm giàu ý nghĩa nhân văn như công trình “Xây dựng 24 nhà nhân ái, nhà ở cho hộ nghèo” của tuổi trẻ huyện Thạch Hà; tấm gương em Nguyễn Thị Mai Sao - sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh với 20 lần hiến máu tình nguyện và nguyện hiến máu suốt đời cho một em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo...
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20.10.1914, sinh tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon (Thái Lan) nhưng có quê gốc ở xã Thạch Minh - nay là xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều sống ở Nakhon - họ gốc của ông vốn là Lê Hữu, đến đời ông thì được đặt thành Lê Văn.
Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 9.2.1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ Phan Bội Châu đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20.11.1931 khi mới 17 tuổi.