“Hậu” vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Bình Định:
Nhiều việc cần làm
Các di sản tiêu biểu nhất của Bình Định là hát bội, bài chòi, võ cổ truyền đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ là niềm vinh dự, mà còn gắn với trách nhiệm cao hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
1.
Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát bội Bình Định, không thể thiếu vai trò, đóng góp quan trọng của hơn chục đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. Tuy nhiên, cả lực lượng diễn viên và khán giả của tuồng không chuyên đã ngày càng cao tuổi. Gầy dựng các thế hệ trẻ gắn bó luyện tập, biểu diễn, hay “chịu” đến xem diễn tuồng, luôn là vấn đề khó những năm qua. Điều này dẫn đến nguy cơ trong tương lai không xa sẽ mất dần các đoàn tuồng không chuyên…
Đoàn tuồng Trần Quang Diệu biểu diễn ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.
Ông Phan Ngọc Bạn, Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, tâm sự: “Muốn phục vụ được nhiều bà con, nhưng đoàn cũng khó về các địa phương biểu diễn nếu thu không đủ bù chi. Giá như có được sự hỗ trợ phần nào từ phía nhà nước về trang thiết bị, hoặc hỗ trợ kinh phí thì hay quá. Điều này sẽ có lợi cho các thôn, xóm có khán giả mộ tuồng nhưng đời sống khó khăn nên ít có điều kiện mời đoàn về. Cũng mong rằng nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ gầy dựng lực lượng diễn viên trẻ kế cận ở các đoàn không chuyên…. ”.
Ở tỉnh ta, hiện chưa có địa điểm nào có cơ sở vật chất thật sự đầy đủ để có thể dùng làm hạt nhân để quảng bá nghệ thuật tuồng. Việc xây dựng Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn được thống nhất là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, dự án này đã được khởi động từ cách đây mấy năm, nhưng đến nay vẫn rất ì, đang trong giai đoạn chờ các thủ tục…
2.
Ngay sau niềm vui nghệ thuật bài chòi Bình Định được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, liền ngay đó là nỗi lo số lượng nghệ nhân bài chòi nắm giữ tinh hoa chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Trong danh mục cá nhân được Sở VH-TT&DL chọn lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ 1 vào năm 2015, có 5 nghệ nhân ở các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân. Phần lớn các nghệ nhân này đều ít có điều kiện biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Liễu, ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, tâm sự: “Các đoàn bài chòi cổ từng có thời gian phát triển mạnh ở các huyện nhưng rồi ngày càng thu hẹp đất hoạt động. Rồi tan rã. Vốn liếng bài chòi cổ tích lũy được đành cất lại, lâu lâu dùng một ít khi tham gia các Hội đánh bài chòi cổ dân gian của huyện, tỉnh. Hiện tôi tham gia diễn ở các đoàn tuồng không chuyên để có thu nhập trang trải cuộc sống…”.
Sở VH-TT&DL hiện đang định hướng chỉ đạo xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ xây dựng đến triển khai thực hiện Đề án là cả một quá trình lâu dài, trước mắt cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân có thể truyền dạy lại các thể loại bài chòi dân gian cho các thế hệ kế cận. Tại Hội thảo “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn”, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, góp ý: “Trong thời gian chờ tiến hành các thủ tục xét vinh danh các nghệ nhân ưu tú gắn những quyền lợi và nghĩa vụ, thì mỗi tỉnh, thành cũng phải có sự quan tâm hỗ trợ cụ thể đối với các nghệ nhân để động viên, phát huy khả năng của họ qua việc mở các lớp truyền dạy bài chòi dân gian…”.
3.
Đề án “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Bình Định để phục vụ du lịch đến năm 2015” được triển khai thực hiện mấy năm qua. Từ Đề án này, một số lò võ được hỗ trợ đầu tư để đủ điều kiện đón du khách. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phục vụ du lịch, bấy nhiêu thì quá nghèo nàn, cần tìm kiếm thêm những “ý tưởng mới”.
Thái Lan có cách tự giới thiệu môn võ muay Thái với du khách rất chuyên nghiệp và độc đáo thông qua việc dàn dựng các live show có thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ, với sự tham gia của các võ sĩ có trình độ cao để biểu diễn những động tác võ thuật đẹp mắt khi hóa thân thành những nhân vật trong nhiều câu chuyện kể về văn hóa, lịch sử của môn võ nổi tiếng của người Thái.
Các live show được đạo diễn tên tuổi dàn dựng biểu diễn trên sân khấu trang bị âm thanh, ánh sáng hiện đại… nên thu hút rất đông du khách đến xem. Võ cổ truyền Bình Định cùng những cột mốc lịch sử gắn với quá trình ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển rực rỡ. Nếu đầu tư dàn dựng được thành chương trình nghệ thuật mang nét độc đáo riêng như muay Thái, thì có lẽ cũng tạo nên sức hấp dẫn rất lớn…
HOÀI THU