Động lực mới từ Luật BHYT sửa đổi
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi là Luật BHYT sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2015. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Phạm Mai khẳng định, những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi sẽ mang lại nhiều tác động tích cực.
● Theo ông, đâu là những điểm mới nổi bật của Luật BHYT sửa đổi?
- Nội dung của Luật BHYT sửa đổi với nhiều điểm mới đã bảo đảm cân đối giữa hai yếu tố là tăng chi để cải thiện quyền lợi của người tham gia BHYT và tăng thu để đảm bảo bền vững quỹ BHYT.
Luật BHYT sửa đổi tiếp tục khẳng định chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở quy định nguyên tắc tham gia BHYT là bắt buộc. Như, bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, với cơ chế giảm dần mức đóng từ người thứ hai đến người thứ tư lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất; Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT.
Từ 1.1.2016 mở thông tuyến KCB BHYT giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT.
- Trong ảnh: Khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh.
Song song với đó là bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT: người sống tại xã đảo, huyện đảo, người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Bên cạnh đó, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT được mở rộng. Cụ thể, bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng; giảm mức cùng chi trả từ 20% còn 5% với thân nhân khác của người có công, hộ gia đình cận nghèo. Người có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí KCB, trừ trường hợp KCB không đúng tuyến.
Đáng chú ý là quy định mở thông tuyến KCB BHYT: Từ 1.1.2016, thông tuyến KCB nội, ngoại trú giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh; từ 1.1.2021, mở thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc khi KCB nội trú. Ngoài ra, tăng chế tài xử lý đối với các trường hợp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT theo quy định của pháp luật (phạt gấp 2 lần bằng lãi suất quy định tại Ngân hàng Nhà nước với số tiền nợ BHYT). Luật BHYT sửa đổi cũng quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện ở từng cấp.
● Dù đã đạt nhiều kết quả đáng kể, nhưng công tác thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Những thay đổi nổi bật của Luật BHYT sửa đổi có tác động như thế nào trong việc giải quyết những khó khăn đó, thưa ông?
- Điều dễ thấy là nhiều điểm thay đổi của Luật BHYT sửa đổi có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Việc thực hiện BHYT bắt buộc khắc phục tình trạng khi đau ốm mới tham gia BHYT, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an sinh - xã hội, góp phần thực hiện BHYT toàn dân đến năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ, sớm hoàn thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bên cạnh đó là các yếu tố kích thích người dân tham gia BHYT ngày một nhiều hơn, như mở rộng quyền lợi hưởng cho người bệnh, giảm thủ tục và thời gian chờ đợi trong thanh toán chi phí KCB cho các cơ sở y tế và người bệnh, mở thông tuyến KCB tuyến xã, huyện, tỉnh từ năm 2016.
Việc tăng chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất việc chây ỳ, trốn đóng hoặc không đóng BHYT - một trong những vấn đề đáng lo ngại trong thời gian qua. Việc giao trách nhiệm và phân công rõ ràng cho các Bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương, kể cả cấp xã để phối hợp thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành chủ động vào cuộc một cách đồng bộ. Đáng chú ý là quy định thống nhất trên cả nước giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện cùng hạng do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Đây là động thái tích cực góp phần khắc phục những bất cập khi mỗi địa phương xây dựng giá dịch vụ y tế theo các mức khác nhau.
● Từ ngày 1.1.2015, Luật BHYT sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị của ngành BHXH và các đơn vị liên quan để Luật sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực?
- Về phía Trung ương, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn triển khai, quán triệt; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHYT sửa đổi.
Tại địa phương, Sở Y tế và BHXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật BHYT sửa đổi trong nội bộ hai ngành, hoàn thành trong tháng 9.2014. Dự kiến trong quý IV.2014, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền và triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh khi các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHYT sửa đổi được ban hành.
● Xin cám ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)