Đẩy mạnh chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS
Là một trong những hoạt động ưu tiên của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, chương trình điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV (ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS đã thể hiện những nỗ lực của Bình Định trong việc hạn chế số người tử vong do AIDS và tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay, Bình Định có một cơ sở điều trị ARV ngoại trú cho bệnh nhân AIDS tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh). Người nhiễm HIV/AIDS được khám, đăng ký điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và được xét nghiệm đếm tế bào CD4, nếu đủ tiêu chuẩn điều trị sẽ được giới thiệu chuyển tiếp đến phòng khám ngoại trú. Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Khoa Truyền nhiễm tổ chức tốt công tác điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện để người nhiễm HIV sớm tiếp cận với dịch vụ điều trị thuốc ARV theo quy định.
Tâm lý chung của người nhiễm HIV là hoang mang, tuyệt vọng vì thiếu những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, do đó công tác tư vấn về tác dụng của việc tuân thủ điều trị ARV là rất cần thiết. Nhờ làm tốt công tác tư vấn nên số bệnh nhân tham gia điều trị ARV đã tăng dần mỗi năm: năm 2012 tổng số người tham gia điều trị là 65 người (trong đó có 5 trẻ em), năm 2013 có 84 người (4 trẻ em). Số bệnh nhân tham gia điều trị ARV mới trong 9 tháng đầu năm 2014 là 17 người, nâng tổng số người tham gia điều trị lên 101 người. Tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia điều trị ARV trên số bệnh nhân hiện quản lý theo dõi là 82,4%.
Trong tháng 9.2014, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Khoa Truyền nhiễm đã mở rộng khám và điều trị cho các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Kim Sơn, hiện có 5 phạm nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Việc mở rộng điều trị ARV cho các phạm nhân là rất cần thiết không chỉ về điều trị bệnh tật mà còn có ý nghĩa về tinh thần, giúp phạm nhân có niềm tin vào cộng đồng để từ đó có thể an tâm cải tạo.
Tuy nhiên, công tác tư vấn, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp cận và quản lý người nhiễm còn hạn chế do người nhiễm HIV thường lo sợ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng nên ngại đến cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ điều trị mà chuyển đi nơi khác sinh sống. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân tiếp cận khá muộn với dịch vụ chăm sóc điều trị và hỗ trợ người nhiễm do vậy hiệu quả điều trị chưa cao.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã từng bước nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm bằng cách chú trọng tập huấn, đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn, đặc biệt là việc tiếp cận và quản lý người nhiễm HIV cho đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường hoạt động truyền thông giới thiệu các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm như điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi-rút ARV, điều trị dự phòng HIV do rủi ro tai nạn nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giám sát, rà soát và tiếp cận, quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
BS HUỲNH THỊ NGỌC THU
(Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)