“Siết” quản lý chất lượng vàng
Từ tháng 6.2014, các doanh nghiệp (DN) và cơ sở kinh doanh (CSKD) vàng phải tuân thủ các quy định về đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông. Đây là quy định của Thông tư (TT) 22/2013/TT-BKHCN ngày 26.9.2013 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
Ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TC-ĐL-CL), cho biết, quản lý chất lượng vàng là cả một câu chuyện dài. Có giai đoạn đơn vị quản lý mặt hàng này là Trung tâm TC-ĐL, sau đó bàn giao cho ngân hàng, rồi lại sang Chi cục kể từ TT 22 ra đời. Sự thay đổi liên tục đơn vị quản lý là nguyên nhân khiến việc quản lý chất lượng vàng gần như bị thả nổi.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Toàn tỉnh hiện có hơn 150 CSKD và gia công vàng. Từ trước đến nay, vàng trang sức được bán ra gần như không ghi tỉ lệ vàng trên mỗi sản phẩm. Để lựa chọn sản phẩm vàng, khách hàng đành trông cậy vào uy tín thương hiệu. Anh N.Q.M, chủ một CSKD vàng ở TP Quy Nhơn thừa nhận, tình trạng gian lận tuổi vàng, công bố một đường bán một nẻo đã diễn ra từ nhiều năm nay. Có khi, một dây chuyền vàng tây được tiệm vàng “hô” 14K, khi đo hàm lượng vàng nguyên chất chính xác chỉ vỏn vẹn 9-10K. Trước đây, đối với vàng 18K, các tiệm vàng, DN kinh doanh nữ trang thường áp dụng tỉ lệ vàng ở mức phổ biến 65-68%, thậm chí một số nơi còn thấp hơn 60%. Người mua và người bán vàng trang sức thường “thống nhất” với nhau mua ở đâu phải bán ở đó.
Theo TT 22, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông tin bao gồm: thông tin về sản phẩm (tên hàng hóa, tên địa chỉ sản xuất hoặc nhà phân phối, nhãn hiệu hàng hóa…), yêu cầu kỹ thuật (khối lượng vàng, hàm lượng vàng, các mô tả đặc điểm riêng của trang sức…), ghi ký hiệu đối với vàng trang sức, mỹ nghệ (G.P, G.F, C hoặc P) và thông tin khác (nếu có để làm rõ về sản phẩm hoặc để tránh gây hiểu lầm).
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện trên bảng niêm yết giá vàng trang sức, mỹ nghệ; trên bao bì, nhãn hàng hóa hoặc trên tài liệu kèm theo sản phẩm.
Với những quy định chi tiết khá nghiêm ngặt, TT 22 được đánh giá là “sát sườn” trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường. Ông Lê Hiểu khẳng định: “TT 22 sẽ hạn chế được tình trạng chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay, qua đó bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng”.
Những vướng mắc
Khi thị trường vàng trang sức và vàng mỹ nghệ được điều chỉnh theo TT 22, nhiều CSKD và sản xuất có quy mô lớn khá hào hứng. Anh Nguyễn Quang Vinh, đại diện DNTN Hiệu vàng Mỹ Long (đường Lê Lợi - TP Quy Nhơn) cho biết: Với TT 22, người tiêu dùng đã có thể mua vàng đúng tuổi, đúng lượng. Trước đây, khách hàng đến mua vàng “thuận mua vừa bán”, ít khi để ý đến các thông tin liên quan đến sản phẩm, nhưng giờ họ nghiên cứu kỹ tem sản phẩm. Về phía CSKD và gia công vàng, TT 22 cũng giúp tăng tính cạnh tranh công bằng.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 11.2014, Sở KH-CN, Chi cục TC-ĐL-CL và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra về ĐL-CL và nhãn hàng hóa trong kinh doanh vàng, vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Ông Trần Tấn Hoàng, Chánh Thanh tra Sở KH-CN, cho biết, đợt kiểm tra sẽ chú trọng hướng dẫn thông tin để các CSKD vàng trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định mới của TT 22 trong quản lý chất lượng vàng.
Điều đáng nói là TT 22 có hiệu lực đã 4 tháng, Chi cục TC-ĐL-CL đã tổ chức hội thảo cho các CSKD trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều cơ sở vẫn còn lúng túng. Khảo sát thực tế của chúng tôi tại một số CSKD vàng tại TP Quy Nhơn, huyện Phù Mỹ và thị xã An Nhơn cho thấy đa phần đều chưa áp dụng theo đúng nội dung TT 22. Các sản phẩm vàng được đính kèm miếng giấy nhỏ ghi trọng lượng và giá gia công, nhưng chưa ghi cụ thể tên, địa chỉ cơ sở, tuổi vàng, mã ký hiệu.
Trong quá trình thực hiện TT 22, nhiều CSKD vàng phải “đau đầu” với cân kỹ thuật để cân trọng lượng vàng. Nhiều cơ sở chi đến 30 triệu đồng mua cân kỹ thuật mới có kẹp chì niêm phong, nhưng phải đổi đi đổi lại khi thị trường cũng đang “loạn” các loại máy xác định hàm lượng vàng. Theo Chi cục TC-ĐL-CL, các CSKD và sản xuất vàng trong tỉnh đều phải thay mới hoàn toàn thiết bị cân để cân vàng đủ quy chuẩn của TT 22. Nhưng đến nay, cũng mới có hơn 10 cơ sở trang bị cân phù hợp.
Mặt khác, việc ghi nhãn mác hàng hóa đúng theo quy định cũng làm nhiều cơ sở gặp khó với sản phẩm nữ trang cũ đang tồn đọng. Chủ một DN kinh doanh vàng nổi tiếng ở TP Quy Nhơn cho biết: “Dù lượng sản phẩm nữ trang không đúng tuổi của chúng tôi tồn kho không nhiều, nhưng cũng phải điều chỉnh lại tuổi vàng ghi trên sản phẩm để bán, chứ nấu lại hàng cũ khó áp dụng vì quá tốn kém”.
“Từ chỗ đang ở trạng thái “tự do”, giờ lại siết chặt thì cơ sở vàng từ nhỏ đến lớn đều khó khăn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn thông tin để các cơ sở thực hiện, đưa hoạt động kinh doanh vàng đi vào nền nếp”, ông Đặng Cao Cảnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL - chia sẻ.
THU HIỀN
Đáng lẽ Thông tư này phải ban hành từ lâu rồi. Song bây giờ cũng chưa muộn. Việc quản lý này sẽ chống gian lận. Từ trước giờ chỉ " chết" người tiêu dùng còn mấy tiệm vàng chỉ có "sướng đến sướng"