Tăng lương tối thiểu năm 2015: Bài toán khó!
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng lương theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho người có thu nhập thấp, ý kiến khác lại không đồng tình.
Chiều 20.10, Quốc hội đã nghe các báo cáo liên quan đế kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đối với việc tăng lương tối thiểu, một số ý kiến đề nghị cần bố trí kinh phí để tăng lương tối thiểu theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho một bộ phận người nghỉ hưu và CBCC có thu nhập thấp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động còn thấp, do đó đề nghị cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối NSNN.
Đa số ý kiến đồng ý với phương án của Chính phủ trong việc sử dụng số dư nguồn cải cách tiền lương 14 nghìn tỷ đồng nhưng đề nghị Chính phủ hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng Luật NSNN, chỉ dùng để trả nợ và chi cho đầu tư phát triển.
Về phần vượt thu, các ý kiến trong Ủy ban cho rằng nên ưu tiên trả nợ ngắn hạn, xử lý nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng Chính sách, nợ quỹ BHXH và các khoản chi theo đúng quy định tại điều 59 của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội.
Ý kiến khác đề nghị dùng số vượt thu sau khi trả nợ ngắn hạn, cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách… thì bù đắp để giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5,3%.
Về dự toán ngân sách 2015, đa số đồng tình với dự toán thu của Chính phủ, nhưng Ủy ban đề nghị về nguyên tắc thực hiện đúng theo quy định Hiến pháp, theo đó các khoản thu NSNN phải có dự toán.
Trong tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế gia tăng, cần tăng cường kiểm tra, chống thất thu, kết hợp với giám sát tất cả các khoản thu NSNN 2014, làm rõ tác động của các chính sách miễn giảm thuế trong năm 2015, số lượng tăng giảm tương ứng.
Đối với dự toán chi, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị: Các khoản chi phải được dự toán, trường hợp cấp bách phải điều chỉnh dự toán chi, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Cũng theo Ủy ban này, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh, Chính phủ cần rà soát để xem cắt giảm chi thường xuyên có hiệu quả. Hiện tại, chi thường xuyên chiếm: 67,3%, chi đầu tư phát triển chiếm: 17,1%; chi trả nợ 13,2% tổng chi NSNN.
Có ý kiến đề nghị cơ cấu lại, phấn đấu đến 2020, tỷ trọng chi thường xuyên còn 50%, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 30%, chi trả nợ còn 20% để đảm bảo lành mạnh NSNN, an ninh tài chính quốc gia.
Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công đến 31/12/2015 ước đạt 64% GDP, dưới mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP. Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nợ công còn trong giới hạn cho phép nhưng đã chạm mức trần, phản ánh tinh hình nợ công đang ở mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách cao, vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng, một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công. Như vậy áp lực trả nợ đối với NSNN trong giai đoạn tới là lớn. Do đó, trong giai đoạn tới đề nghị CP tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, xây dựng phương án, giải pháp hợp lý giảm dần nợ công, nâng cao chính chủ động trả nợ của NSNN.
Phương án phân bổ NSTW 2015
Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, cơ cấu chi giữa NSTW và NSĐP những năm gần đây chi của NSTW có xu hướng giảm so với tổng chi NSNN, không đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW. Do vậy, năm 2015 đề nghị tập trung bố trí các nhiệm vụ chi quốc gia mang tính trọng điểm có khả năng tạo ra động lực phát triển kinh tế đối với các vùng, miền, theo đó bố trí chi hỗ trợ các mục tiêu từ NSTW cho NSĐP cần rà soát, thu hẹp phạm vi hỗ trợ để giảm dần mức độ nợ.
Về hỗ trợ bù giảm thu do nguyên nhân khách quan để bảo đảm mặt bằng chi thường xuyên, một số ý kiến đề nghị rà soát có thể tiết giảm khoản chi này, và cho rằng, việc bù giảm thu năm 2015 nên tập trung cho một số địa phương dự báo hụt thu ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi, các địa phương còn lại có số hụt thu không nhiều sẽ được xem xét hỗ trợ cuối năm từ NSNN.
Năm 2015 chủ trương hỗ trợ kinh phí nhà ở cho người có công, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị bố trí kinh phí thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 494 của UBTVQH đảm bảo thực hiện chế độ chính sách cho đối tượng này.
UB cơ bản tán thành phương án Chính phủ trình đối với việc chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục phân bổ cho 16 chương trình MTQG trong năm 2015.
Theo Vũ Hạnh (VOV