Làm lại cuộc đời
Chúng tôi đến nhà ông Đoàn Thục (SN 1963, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) vào một buổi chiều muộn khi người đàn ông này đang tất bật cho cá ăn. Trang trại rộng trên 2ha, ông trồng các loại cây ngắn ngày xen cây lâu năm; đào thêm 2 ao thả cá, xây trại nuôi 80 con heo, 2 con bò, làm 3 sào lúa. Nếu nói về người làm trang trại giỏi, ông chưa phải là điển hình. Nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là ý chí, nghị lực của một người đã từng là kẻ giết người, nay đang từng bước vượt qua những trở ngại sau ra tù để làm lại cuộc đời, sống có ích.
Ông Thục kể: “Lúc đó, vì mâu thuẫn trong quan hệ nam nữ, tôi đã dùng chất nổ ném vào nhà người từng đầu ấp vai gối, làm cô ấy bị thương và chết ngay sau đó”. Với tội lỗi đã gây ra, ông Thục phải chịu mức án 20 năm tù giam. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, ông đã được mẹ và em trai động viên rất nhiều. Chính tình cảm này đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều và lấy đó làm động lực phấn đấu cải tạo tốt để không phụ lòng những người thân của mình. “Tôi chẳng ngại việc gì cả, hễ cán bộ phân công làm việc gì là tôi hoàn thành thiệt tốt. Bởi những lúc ấy, tôi luôn nghĩ đến gia đình, nghĩ mình từng này tuổi mà vẫn để mẹ và hai em phải bận tâm lo lắng. Nghĩ đến tương lai phía trước, tôi quyết tâm cải tạo tốt”. Bởi vậy, mỗi dịp đặc xá, ông Thục đều có tên trong danh sách phạm nhân được giảm án; sau 9 lần giảm án (tương đương 5 năm), ông đã được trả tự do.
“Để tạo điều kiện cho các đối tượng tù về, chúng tôi cố gắng giúp họ cái “cần câu”. Từ tấm gương hoàn lương làm lại cuộc đời của ông Thục, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, định hướng nghề nghiệp cho những người hoàn lương trên địa bàn, giúp họ vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Ông Lê Thái Hòa, thường trực CA xã Vĩnh Quang
Ngày về hai bàn tay trắng, ông Thục mạnh dạn vay vốn ngân hàng bắt tay vào làm kinh tế trang trại. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, sự hỗ trợ đắc lực của em trai, ông Thục đã cải tạo một vùng đất hoang hóa thành trang trại màu mỡ. Chị Đoàn Thị Tuyền, hàng xóm của ông Thục, nói: “Làng xóm ai cũng phục ông ấy bởi ý chí vươn lên, chịu khó lao động”.
Trước khi chia tay, ông Thục nhắn nhủ rằng, trong cuộc đời ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng quan trọng là biết nhận ra để sửa chữa sai lầm đó. Giờ đây, tôi chỉ biết lấy thành quả lao động của mình để đáp lại sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, của những người thân đã tin tưởng và tạo mọi điều kiện để tôi lập nghiệp.
K.ANH