Làm giàu từ dịch vụ nông nghiệp
Đó là ông Lê Văn Hạnh, ở thôn Mỹ Trang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Vốn là bộ đội phục viên, học được nghề cơ khí khi còn ở quân ngũ, ông được HTXNN 2 Phước Sơn tuyển vào sửa máy cày. Sau đó, ông mở cơ sở sản xuất nông cụ, sửa chữa cơ khí, làm máy gạo và tự làm xe độ chế vận chuyển thuê hàng hóa nông sản.
Khi Nhà nước cấm xe độ chế hoạt động và hỗ trợ sắm phương tiện vận tải thay thế, ông mua xe tải chuyên chở hàng thuê.
Thấy hàng hóa chở thuê ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu cơ giới hóa đồng ruộng tăng cao, nhất là khâu thu hoạch lúa, năm 2001 ông vào miền Nam tham quan, học hỏi, và “hít” chiếc máy gặt đập liên hợp. Ông liền bỏ công tìm hiểu kỹ tính năng hoạt động của từng loại máy, mức tiêu hao nhiên liệu, năng suất gặt, phụ tùng thay thế, rồi quyết định bán 2 chiếc xe tải để mua 1 máy gặt đập liên hợp Kubota Nhật với giá 490 triệu đồng, đưa về làm dịch vụ gặt lúa ở đồng ruộng quê nhà. Thời điểm đó, ông là người duy nhất ở huyện Tuy Phước sắm máy gặt của Nhật.
Ông Hạnh cho biết: “Lúc mới đưa máy gặt đập về cũng là lúc vào vụ thu hoạch, máy hoạt động hết công suất. Thấy hiệu quả, tui vay 200 triệu đồng của Quỹ tín dụng Phước Sơn đầu tư mua tiếp máy gặt thứ 2, rồi thứ 3, làm dịch vụ gặt thuê liên tỉnh, có khi vào Phú Yên, có khi ra tận Huế... Trước đây máy gặt đập còn ít, tui thu nhập khoảng nửa tỉ đồng/năm sau khi trừ chi phí; 2 năm trở lại đây thu nhập giảm còn một nửa vì có thêm nhiều người làm dịch vụ này. Giờ tui bán bớt 1 máy, còn giữ 2 máy gặt hoạt động”.
Ngoài làm dịch vụ gặt lúa, ông Hạnh còn làm ruộng, chăn nuôi, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen.
XUÂN THỨC