Nợ công đã đến mức báo động đỏ
Ngày 21.10, Quốc hội thảo luận tại tổ ĐBQH về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách.
Kinh tế chỉ mới nhúc nhích đi lên
Hầu hết các ĐBQH đánh giá cao việc Chính phủ đã nỗ lực, linh động ứng phó với các khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2014, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%, sau một thời gian không hoàn thành kế hoạch.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) khẳng định, kết quả năm 2014 là nỗ lực rất lớn. Những giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, theo ĐB, là đúng hướng.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận, niềm tin về thị trường của cộng đồng doanh nghiệp dù yếu nhưng bước đầu đã được khôi phục. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều bước cải cách thể chế (sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư), đặt ra mục tiêu giảm thời gian nộp thuế để tiến gần hơn với những nước phát triển trong ASEAN. Khối doanh nghiệp nước ngoài cũng thể hiện niềm tin vào thị trường Việt Nam. Khảo sát của một công ty nghiên cứu của Nhật Bản cho biết, trong số 23.000 doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi đã có đến 19% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư số 1, vượt qua cả Trung Quốc (gần 7%). “Đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt để phát triển, vượt qua khó khăn”, ông Lộc bình luận.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mà các đại biểu cho rằng Chính phủ phải tiếp tục giải trình, phân tích thấu đáo để từ đó đưa ra những giải pháp mạnh mẽ và căn cơ hơn.
Nhận định rằng kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất ASEAN hiện nay, do đó những tác động của tình hình quốc tế có thể tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị thận trọng, “tính kỹ xem có nên mở tiếp ồ ạt hay không”. TS Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý rằng, GDP nước ta trong 4 năm qua bình quân chỉ tăng 5,4%/ năm; dù có nhích lên qua từng năm song vẫn là giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm trở lại đây… Đồng tình với nhiều kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, song ĐB phân tích: “Trong điều kiện chỉ số đầu tư ICOR của Việt Nam vẫn ở mức cao như hiện nay, muốn tăng trưởng 6,2% trở lên mà tổng đầu tư xã hội dự kiến chỉ tương đương 30% GDP là không khả thi”.
Trong khi đó, nhiều ĐB đề nghị phân tích kỹ hơn về số liệu doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và số thành lập mới để đánh giá đúng thực trạng. ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, không nên quá lạc quan về tình hình kinh tế cũng như ngân sách trong thời gian tới, vì hiện nay số doanh nghiệp không nộp thuế thu nhập, tức bị lỗ, đang tăng lên. “Đầu tư tăng 13%, trong đó đầu tư từ ngân sách Nhà nước và TPCP tăng 18%, như vậy đã đi chệch hướng. Mục đích là tăng đầu tư xã hội, giảm đầu tư công nhưng vì các khu vực khác không thu hút được đầu tư nên vẫn phải tăng đầu tư công nhiều. Đấy là điều phải suy nghĩ trong tái cơ cấu đầu tư”, ĐB Quang phát biểu.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM thì tỏ rõ thái độ sốt ruột. Ông nói: “Kinh tế vẫn quá yếu, như người đi cà rề cà rề, khỏe không ra khỏe, bệnh không ra bệnh. Nhưng đọc tất cả báo cáo thì không thấy có quyết sách gì đột phá. Khát vọng của chúng ta là trở thành một nước công nghiệp phát triển; ta ở một vị thế địa chính trị mà buộc phải mạnh lên thì mới giữ vững chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội”. Cho rằng vấn đề chính hiện nay là làm sao tăng được tổng cầu, ĐB Trần Du Lịch bức xúc: “Thủ tục giải ngân hiện nay nhiêu khê khủng khiếp, làm nghẽn đủ thứ. Phải xử lý quy trình thủ tục liên quan đến giải ngân”. Vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, lãi suất trung hạn còn cao so với lạm phát; cần phải giảm lãi suất trung hạn xuống. NHNN phải giảm lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại; đồng thời NHTM cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được.
Đặc biệt, ông Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu hiện nay đã vượt quá khả năng tự giải quyết của ngân hàng. Chính phủ phải ra tay xử lý trong thời gian ngắn nhất. Mục tiêu năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% là đúng đắn, nhưng muốn thế thì QH cần ra nghị quyết về một số quyết sách để thoát khỏi trì trệ, dù có phải “chịu đau”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nợ công tăng nhanh là nợ trong nước
Chiều 21.10, giải thích thêm về tình hình nợ công và phương hướng trả nợ những năm tới tại phiên họp tổ ĐBQH, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Thu ngân sách vẫn tăng, vượt so với kế hoạch nhưng cân đối tài chính ngân sách gặp khó (…). Chi ngân sách, đặc biệt chi thường xuyên tăng nhanh hơn thu dẫn tới tình trạng chi đầu tư khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng có 3 đột phá, nói ngắn gọn là đột phá về thể chế, hạ tầng và giáo dục - khoa học. Sau khi thể chế hóa đường lối, Trung ương có nghị quyết riêng về thực hiện chiến lược đột phá về hạ tầng, và sau đó Chính phủ trình lên Quốc hội, trong đó có 2 dự án rất lớn là đường quốc lộ 1 cũ và đường 14. Trong bối cảnh chúng ta đang phát hành trái phiếu giai đoạn 2011-2015 với khoảng 225.000 tỉ đồng, thì cuối năm 2013, đầu năm 2014 lại phát hành thêm 170.000 tỉ đồng giai đoạn 2014-2016, trong đó chủ yếu 2 con đường kia. Đó chính là nguyên nhân tăng nợ công.
Theo ông Vũ Văn Ninh, cần phải mất vài năm để lành mạnh hóa nợ công. Nhưng phần nợ đang tăng nhanh, tạo sức ép trả nợ lại là nợ trong nước.
Nếu năm 2010, trong cơ cấu nợ công thì nợ nước ngoài gần 60%, nợ trong nước khoảng 40% thì đến năm 2013, nợ nước ngoài khoảng 50%, nợ trong nước 49% và cộng thêm nợ bảo lãnh, chủ yếu vay trong nước. Tổng dư nợ đúng là đang tăng tương đối nhanh trong mấy năm gần đây và đến nay đã lên tới gần sát đỉnh 65% GDP. Nhưng điều quan trọng nếu tính về an toàn nợ thì so với GDP chỉ là một chỉ tiêu, quan trọng hơn là có trả được nợ hay không. Trên thế giới có nước tổng dư nợ 100 % GDP, thậm chí còn cao hơn nữa như Nhật, Mỹ nhưng vẫn an toàn vì sức khỏe nền kinh tế mạnh, họ vẫn trả được nợ. Cũng có nước chỉ vay 20-30% GDP nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được nợ.
Thực tế, việc chi trả nợ hiện nay đang tăng nhanh. Vẫn theo Phó Thủ tướng, các khoản nợ ngoài nước không căng thẳng lắm, bởi bình quân lãi suất chỉ khoảng 1,6%/năm. Số nợ còn lại hiện nay, có thời gian vay trong khoảng 10-20 năm, bình quân 12,8 năm mới phải trả nợ gốc và sẽ tiến hành giảm dần dần từ từ. Nhưng nợ trong nước ngược lại, cái xấu chính là ở nợ trong nước, khi bình quân trả nợ chỉ trong khoảng 4,3 năm, thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ có 1 năm. Có kỳ hạn vay như năm 2013 vay 1 năm đã tới gần 22,7% rồi, chính vì thế phải trả nợ nhanh quá, vừa vay xong đã phải bố trí sang năm trả nợ rồi. Hơn nữa vay trong nước lãi suất tương đối cao, vì vay theo lãi suất thị trường, chính vay trong nước dẫn tới nợ công tăng nhanh, dẫn tới trả nợ rất căng thẳng, làm cho đỉnh nợ vào năm 2016. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ để cơ cấu lại nợ, chủ yếu nợ trong nước, còn nợ nước ngoài tương đối an toàn. Hướng xử lý là cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ, với thời hạn vay dài hơn, chẳng hạn như 10 năm chẳng hạn, theo chu kỳ cuốn chiếu thì có thể trả dần, trả dần những năm sau, vay càng dài thì càng lợi.
Vẫn theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, sang năm 2016, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo với Đảng, Quốc hội về khả năng, phương thức huy động trái phiếu phù hợp nhất. “Giả dụ chúng ta không phát hành nữa thì nợ công sẽ xuống nhanh nhưng sẽ không có nguồn để đầu tư, làm ăn kinh tế nên phải tính toán làm sao cho hài hòa nhiều mục đích", ông nói.
Thuốc đặc trị, có không?
Đó là câu hỏi day dứt của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Vẫn ĐB Trương Trọng Nghĩa tự trả lời: “Tôi thấy chưa có. Giải pháp nào cũng đã nêu từ mấy năm trước. Nhưng đến giờ vẫn thấy hai điểm nổi lên rất rõ là tăng trưởng dưới tiềm năng và việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu chưa tiến triển thực chất. Có vẻ như thuốc đã kê đúng, nhưng chưa được dùng nghiêm nên hiệu quả thấp. Làm sao để Việt Nam nắm được các cơ hội tăng trưởng và đồng thời – mà cả báo cáo của Chính phủ lẫn báo cáo thẩm tra đều chưa nói đến – là phải lành mạnh hóa quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, cụ thể là đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác kinh tế, tránh lệ thuộc quá lớn vào bất cứ một nền kinh tế nào”.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng nói thêm rằng, có lẽ chuyện phòng chống tham nhũng sẽ được mổ xẻ trong các báo cáo khác, nhưng bản thân ông rất băn khoăn về việc “tham nhũng mỗi năm không biết đã ngốn hết bao nhiêu % GDP”.
Còn theo Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, việc chi thường xuyên tăng cao; nợ công chạm ngưỡng an toàn trong khi khả năng trả nợ không cao, dẫn đến tình trạng đi vay để đảo nợ là một số những điểm rất cần sự quan tâm thích đáng của Quốc hội để xử lý căn cơ.
“Chúng ta luôn đặt ra yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, giảm biên chế; nhưng chi thường xuyên lại tăng nhanh; chiếm đến 65 – 72% tổng chi. Nợ công cao - đáng lo rồi - nhưng còn đáng lo hơn là hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào? Các nước Mỹ hay Nhật tỷ lệ nợ công cũng cao, nhưng khoản chi trả nợ của họ chỉ chiếm 10-15% GDP thôi, còn chúng ta thì phải vay đảo nợ. Mà chi thường xuyên cao, trả nợ cao thì đâu còn để chi đầu tư?”, đồng chí Lê Thanh Hải nhận định và nhấn mạnh, đây là một trong những khâu đột phá.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận, muốn tạo điều kiện để khai thông, thu hút đầu tư, thì phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; nhưng tiến trình này vẫn quá chậm; chưa tạo được lòng tin và khuyến khích được các nhà đầu tư…
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Chính phủ nói vấn đề nợ công “còn an toàn” nhưng các chuyên gia kinh tế đã báo động. “Cần đánh giá thực sự, có giải pháp để tháo gỡ, không để tích tụ khó khăn về nợ công. Còn nếu chỉ để có con số đẹp mà sau này “vỡ” ra thì rất khó”, ông Vinh nói.
ĐB Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng, dù nợ công nằm trong giới hạn cho phép, nhưng trong 3 năm gần đây đã liên tục tăng (từ năm 2013 đến 2015), mỗi năm tăng trưởng 4%. Dự kiến dư nợ công năm 2015 là 64%, năm 2016 là 64,9%, năm 2017 là 64%, “Như vậy nếu cứ tăng như thế này thì đến năm 2016 nợ công sẽ vượt ngưỡng an toàn, báo động. Trong 3-5 tới, để kìm nợ công dưới 65% thì tiền đâu để đầu tư, làm dự án? Nợ công tăng nhưng nếu nền kinh tế tốt thì vay được trả được, còn Việt Nam vay nhiều nhưng trả được ít. Thực tế ngân sách không đủ trả nợ mà phải đi vay để đảo nợ, như vậy là nợ công đã nguy hiểm”, ĐB Quang phân tích.
Có quan điểm tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm rành rọt: “Báo cáo thẩm tra nêu rõ có nhiều khoản thực chất là nợ công nhưng đã không được tính toán đầy đủ. Phải chăng nói nợ công vẫn trong giới hạn là động viên nhau? Tôi đề nghị QH yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ ràng, minh bạch với QH và toàn dân; không phải để bi quan, mà để toàn dân được biết tình hình ngân khố như thế nào; để người dân hiểu và chia sẻ với những giải pháp thắt chặt ngân sách”.
ĐB Trần Du Lịch thì nhận định: “Nguy cơ vỡ nợ trước mắt thì tôi cho là chưa có. Nhưng tình hình đúng là đã cấp bách rồi và nếu không sửa gấp Luật Ngân sách nhà nước và các luật về tổ chức chính quyền thì không bao giờ giải quyết được căn cơ chuyện này. Mà sửa như hai dự thảo sắp tới đây trình QH thì tôi xin nói thẳng là QH vẫn không có thực quyền quyết định ngân sách mà chỉ hợp thức hóa việc đã an bài”. Ông Trần Du Lịch ví von, thu ngân sách hiện nay như thu nhập của một gia đình chỉ “vừa đủ bỏ miệng”, không còn dư tiền để làm gì cả, từ cải tạo nhà cửa cho đến mở rộng đầu tư phát triển…
Băn khoăn đổi mới thi cử
ĐB Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM ủng hộ việc đổi mới thi tuyển sinh đại học, nhưng nhận xét rằng, đây là vấn đề lớn, quan trọng, ảnh hưởng hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình. “Sự thay đổi này được quyết định khá đột ngột khiến các em rất băn khoăn, thầy cô bối rối, các khâu có liên quan từ cơ sở vật chất, nhân lực chưa chuẩn bị kỹ càng. Nên chăng cần có ý kiến của QH?” – ông Đạt nêu vấn đề. Việc chia hai cụm thi, dẫn đến hai loại bằng phổ thông, theo ông Đạt cũng tạo nên sự không công bằng…
Trong khi đó, các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Văn Minh thẳng thắn bày tỏ quan điểm không yên tâm. “Cung cách giảng dạy, chương trình, cách thức đánh giá chưa thay đổi thì lại đi thay đổi kỳ thi, như thế là làm ngược hay xuôi. Không khéo không tránh được tiêu cực chạy điểm ngay từ khi học phổ thông” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. ĐB Nguyễn Văn Minh tiếp lời: “Ngay cả Thông tư 30 về không chấm điểm học sinh tiểu học mà chỉ nhận xét; ý kiến góp ý rất nhiều, nhưng Bộ vẫn cứ làm, không tiếp thu”.
Theo Anh Phương (SGGP)